Thể thao

Thể thao cộng đồng

Chư Pah: Quan tâm phát triển các môn thể thao truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Pah (Gia Lai) đã quan tâm duy trì và phát triển các môn thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thu hút nhiều người tham gia tập luyện, thi đấu. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Đẩy gậy là một trong những môn được huyện Chư Pah đưa vào thi đấu tại các giải thể thao của địa phương. Ảnh: H.P



Huyện Chư Pah có hơn 53% dân số là đồng bào DTTS. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Không chỉ tập trung phát triển các môn thể thao hiện đại, huyện còn chú trọng bảo tồn và phát huy các môn thể thao đặc trưng của đồng bào DTTS như: đẩy gậy, kéo co, chạy cà kheo, bắn nỏ... Các môn thể thao này thường xuyên tổ chức, nhất là trong các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, hàng năm, huyện đều tổ chức Hội thi thể thao DTTS nhằm tạo điều kiện cho các vận động viên được thi đấu, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Qua hội thi, huyện đã phát hiện nhiều vận động viên xuất sắc để bồi dưỡng và đưa đi thi đấu các giải cấp tỉnh. Trong năm 2019, đoàn vận động viên của huyện tham gia Hội thi văn hóa-thể thao các DTTS toàn tỉnh và đã giành được 3 huy chương vàng ở môn chạy cà kheo và đẩy gậy.

Ông Phạm Trung Kiên-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Chư Pah-cho biết: Thời gian qua, ngoài các môn thể thao hiện đại, huyện luôn chú trọng phát triển các môn thể thao truyền thống của đồng bào DTTS. Việc tổ chức các giải đấu, các hoạt động thể dục thể thao đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống của huyện. Các hoạt động này luôn thu hút đông đảo người dân từ khắp các xã, thị trấn tham gia thi tài, cũng là cơ hội để thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống của dân tộc mình.

Anh Tham (làng Kon Măh, xã Hà Tây) là vận động viên đạt nhiều thành tích ở môn chạy cà kheo. Anh chia sẻ: “Mình biết chạy cà kheo từ khi còn bé. Các dịp lễ hội của xã có tổ chức thi đấu môn chạy cà kheo, mình đều tham gia. Nhờ luyện tập thường xuyên nên mình luôn đạt thành tích cao trong các hội thi thể thao DTTS. Đến nay, mình đã 4 lần tham gia Hội thi thể thao dtts toàn quốc và giành được 7 huy chương vàng. Ở các giải do huyện và tỉnh tổ chức, mình đạt khá nhiều huy chương vàng, bạc”.

Huyện Chư Pah xác định phát triển phong trào tập luyện và thi đấu thể thao trong vùng đồng bào DTTS là một trong những mục tiêu quan trọng. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống trên địa bàn huyện đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ luyện tập thể thao cũng được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện. Hiện toàn huyện có 69 sân bóng đá, 56 sân bóng chuyền. Bên cạnh đó, các giải thể thao từ huyện đến cơ sở thường xuyên được tổ chức. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển các môn thể thao truyền thống ở Chư Pah cũng còn gặp không ít khó khăn như: phong trào tập luyện, thi đấu thể thao quần chúng chưa phát triển đồng đều giữa các địa phương trong huyện; hoạt động thể dục thể thao ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được duy trì thường xuyên; cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ tập luyện còn hạn chế; cán bộ thể dục thể thao cấp xã là kiêm nhiệm nên công tác quản lý và phát triển phong trào còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, công tác xã hội hóa thể dục thể thao truyền thống chưa huy động được các thành phần kinh tế tham gia. “Trong điều kiện nguồn kinh phí được cấp còn hạn hẹp, để phát triển các môn thể thao dân tộc rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương nhất là thực hiện hiệu quả chính sách xã hội hóa nguồn lực đầu tư  xây dựng cơ sở vật chất luyện tập. Có như vậy, thể thao truyền thống mới được duy trì và phát triển bền vững”-ông Kiên nêu giải pháp.

 

 HÀ PHƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm