Kinh tế

Chư Păh thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiều 9-2, đoàn công tác do ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương Gia Lai đã có buổi làm việc với UBND huyện Chư Păh về kết quả công tác trên lĩnh vực công thương năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023. Tham dự buổi làm việc có ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện, cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Chư Păh đã thông tin sơ bộ một số kết quả đạt được trên lĩnh vực công thương của huyện trong năm 2022. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 1.526,8 tỷ đồng (bằng 100,12% chỉ tiêu kế hoạch năm và bằng 27,54% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.213,7 tỷ đồng (tăng 11,76% so cùng kỳ năm 2021). Đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 470 cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, tăng 37 cơ sở so với năm 2021. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu là sản xuất điện, xi măng, gỗ phôi, chè khô, bột bời lời, khai thác tận thu đá, cát sỏi xây dựng; các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là cơ sở chế biến bún bánh, gia công may mặc, gia công đồ sắt, xay xát nông sản, cà phê rang xay, sửa chữa động cơ máy nổ...

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vũ Thảo

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Vũ Thảo

Hệ thống điện nông thôn trên địa bàn tiếp tục được đầu tư cải tạo, bổ sung nên lưới điện đảm bảo an toàn phục vụ nhân dân. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,25%, chất lượng hộ sử dụng điện đảm bảo an toàn được nâng lên. Hiện nay, cụm công nghiệp có 6 nhà máy đang hoạt động. Trên địa bàn huyện có 23 cửa hàng xăng cấp cấp 3, có 5 chợ hạng 3 và 782 hộ kinh doanh các mặt hàng nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Hiện đã có 11/12 xã đạt tiêu chí số 4 về điện, 12/12 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

Việc chỉ đạo và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của tỉnh được thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực công thương trên địa bàn huyện Chư Păh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Các công trình hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa tạo sự quan tâm chú ý của nhà đầu tư. Nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư cho các nhà máy còn ít, chưa đảm bảo theo quy mô, năng lực sản xuất nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

Năm 2023, huyện Chư Păh đề ra một số chỉ tiêu ngành Công thương như phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp theo so sánh năm 2010 đạt hơn 1.709 tỷ đồng (tăng 11,97% so với năm 2022); phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2.445 tỷ đồng (tăng 10,46% so với năm 2022). Nâng tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt trên 99,25%.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Vũ Thảo

Trên cơ sở những kiến nghị của huyện, tại buổi làm việc đoàn công tác của Sở Công thương đã trao đổi, nắm bắt một số vấn đề tồn tại liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, thương mại và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với địa phương. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương đề nghị trong thời gian tới, huyện cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để định hướng xây dựng, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cụm công nghiệp; tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo; đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP, tạo thuận lợi cho thu mua và chế biến nông sản, xây dựng tiêu chuẩn cho các sản phẩm nông nghiệp; quản lý hiệu quả các chợ trên địa bàn; những vấn đề liên quan đến kinh doanh xăng dầu, phát triển chợ nông thôn, hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các đề án khuyến công, xây dựng điểm bán hàng OCOP… Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa 2 đơn vị để thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm