Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Chư Pah: Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Pah, Gia Lai đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hoạt động này không chỉ hướng người dân đến việc sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập mà còn tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.
Ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng-cho biết: “Năm 2017, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pah đã triển khai mô hình trồng và sơ chế chuối rừng tại 3 làng của xã với 10 hộ tham gia trên diện tích 10 ha, tổng kinh phí thực hiện là 615 triệu đồng. Khi thu hoạch, năng suất chuối bình quân đạt khoảng 1,2 tấn/ha (cao hơn 50% so với chuối tự nhiên), giá bán chuối khô khoảng 45.000 đồng/kg. Ngoài cho thu hoạch quả, các bộ phận khác của cây chuối cũng được tận dụng vào nhiều việc”.
 Người dân tại xã Ia Kreng được hỗ trợ máy sấy chuối rừng khô góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ảnh: N.T
Người dân tại xã Ia Kreng được hỗ trợ máy sấy chuối rừng khô góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ảnh: N.T
Nhận thấy mô hình trồng chuối rừng tại xã Ia Kreng ngày càng phát triển, mang lại lợi ích cho người dân, huyện Chư Pah đã hỗ trợ một máy sấy có công suất sấy 100 kg chuối tươi/lần, qua đó nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chuối rừng của địa phương. Ông Siu Ích (làng Doch 2, xã Ia Kreng) phấn khởi nói: “Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất chuối đạt cao. Nhà mình từ đó cũng thu nhập ổn định hơn, bình quân mỗi héc ta chuối cho thu khoảng 10 triệu đồng/năm”.
Tương tự, năm 2016, huyện Chư Pah cũng đã triển khai dự án phát triển mô hình chăn nuôi bò lai tại xã Chư Jôr. Tham gia dự án, 20 hộ dân của xã được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò cái giống Zêbu. Đến nay, người dân đã thay đổi tập quán từ chăn nuôi thả rông truyền thống sang nuôi nhốt, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi bò lai bước đầu đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ. Ông Siu Djut (làng Wet, xã Chư Jôr) cho hay: “Nhờ thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên con bò lai của gia đình tôi đã sinh bê con. Tôi sẽ tiếp tục áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò đã được tập huấn, làm chuồng nuôi nhốt đảm bảo để bò nhanh lớn, sinh nhiều con”.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pah, từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ khoa học công nghệ bao gồm các dự án: phát triển mô hình chăn nuôi bò lai tại xã Chư Jôr; xây dựng mô hình cải tạo đàn dê cỏ tại xã Đak Tơ Ve; xây dựng mô hình trồng và sơ chế chuối rừng tại xã Ia Kreng và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhân rộng mô hình tái canh cây cà phê vối, kết hợp trồng xen cây ăn quả tại xã Ia Ka. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình trên là 2,1 tỷ đồng. Sau khi triển khai, các mô hình đều cho kết quả khả quan, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, các mô hình đã được nhân rộng. Cụ thể, mô hình trồng chuối rừng tại xã Ia Kreng từ 10 ha giờ đã tăng lên 40 ha; mô hình nuôi bò lai tại xã Chư Jôr từ 20 con giờ đã tăng lên 35 con… 
Ông Trần Đình Quyến-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pah-cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm chuối rừng Ia Kreng, đề xuất đặt hàng dự án ứng dụng khoa học công nghệ về sản phẩm dong riềng ở Chư Jôr và xúc tiến dự án trồng lan giả hạc trên địa bàn huyện nhằm đưa công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, cải thiện đời sống cho nông dân, đặc biệt là tại các xã vùng đặc biệt khó khăn”. 
 NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm