Chính trị

Chư Prông đưa chính sách tôn giáo vào cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trên địa bàn huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) có 4 tôn giáo đang hoạt động gồm: Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài với khoảng hơn 170 chức sắc, tu sĩ, chức việc và hơn 27.000 tín đồ. Những năm qua, huyện thường xuyên tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng quy định pháp luật, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Các tôn giáo luôn được quan tâm

Ông Triệu Ngọc Trường-Trưởng phòng Nội vụ huyện Chư Prông-cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo, Phòng Nội vụ thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND huyện về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tôn giáo, triển khai thực hiện các chính sách về tôn giáo đúng quy định. Đồng thời, phối hợp với cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo; tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ trực tiếp làm công tác tôn giáo ở các xã, thị trấn cũng như chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo.

Vào dịp Tết Nguyên đán và các kỳ lễ trọng của các tôn giáo, cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện phối hợp tổ chức gặp mặt; đến thăm các cơ sở thờ tự và điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, các chức sắc, tu sĩ nhằm ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực của đồng bào tôn giáo góp phần vào sự phát triển chung của huyện. Đồng thời, nắm bắt thông tin tình hình đời sống, tư tưởng, tâm trạng cũng như các ý kiến, kiến nghị của chức sắc và tín đồ các tôn giáo để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo địa phương chỉ đạo ngành chức năng giải quyết.

Đại diện cấp ủy, chính quyền huyện Chư Prông thăm Giáo xứ Thanh Hà (xã Ia Drăng) nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2022. Ảnh: Thanh Nhật

Đại diện cấp ủy, chính quyền huyện Chư Prông thăm Giáo xứ Thanh Hà (xã Ia Drăng) nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2022. Ảnh: Thanh Nhật

Theo ông Vũ Đình Hiền-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cốt cán trong đồng bào các tôn giáo. Đồng thời, phát huy vai trò của người có uy tín và cá nhân tiêu biểu trong các tôn giáo để tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời-đẹp đạo”, hoạt động từ thiện xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo nêu cao cảnh giác với các hoạt động tôn giáo trái phép cũng như âm mưu của địch về lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước.

Góp phần xây dựng quê hương

Thượng tọa Thích Phổ Nguyện-Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Chư Prông-cho biết: Trên địa bàn huyện có 16 chùa và tịnh xá. Những năm qua, tăng ni và phật tử rất phấn khởi vì hoạt động của Giáo hội và các chùa, tịnh xá luôn được địa phương quan tâm, thể hiện đúng chính sách tự do tôn giáo. “Đồng bào Phật giáo đã phát huy các giá trị văn hóa và đạo đức tôn giáo vào trong đời sống, gương mẫu giáo dục con cái trưởng thành, xây dựng gia đình và khu dân cư văn hóa, chăm lo phát triển kinh tế, sống “tốt đời-đẹp đạo”. Hàng năm, các chùa, tịnh xá tổ chức nhiều hoạt động từ thiện xã hội với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng, góp phần vào công tác an sinh xã hội của huyện nhà”-Thượng tọa Thích Phổ Nguyện thông tin.

Trên địa bàn huyện còn có gần 7.700 tín đồ sinh hoạt ở 2 chi hội thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam). Trong đó, Chi hội Tin lành Thanh An (xã Thăng Hưng) do mục sư Ngô Ngọc Tuấn quản nhiệm, Chi hội Tin lành Plei Klan (xã Ia Băng) do mục sư nhiệm chức Ksor Nglun quản nhiệm. Ông Kpă Mlơk-Thư ký Chi hội Tin lành Plei Klan-bày tỏ: “Chúng tôi rất phấn khởi vì cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành luôn tạo điều kiện giúp đồng bào theo đạo sinh hoạt tôn giáo thuận lợi, đúng Hiến chương của Hội thánh. Bà con tin tưởng chấp hành các quy định pháp luật trong sinh hoạt tôn giáo, yên tâm làm ăn ổn định đời sống, tham gia xây dựng nông thôn mới và hưởng ứng các hoạt động do địa phương triển khai”.

Các chùa, tịnh xá trên địa bàn huyện Chư Prông thường xuyên tổ chức hoạt động từ thiện tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thanh Nhật

Các chùa, tịnh xá trên địa bàn huyện Chư Prông thường xuyên tổ chức hoạt động từ thiện tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thanh Nhật

Đối với đồng bào theo đạo Công giáo tại Chư Prông, tiêu biểu có Giáo xứ Hoàng Yên (xã Ia Phìn) được hình thành từ năm 1978, đến nay có gần 2.000 giáo dân. Giáo xứ đã xây dựng nhà thờ và khánh thành cuối năm 2017 trên khuôn viên rộng 2,2 ha. Giáo dân trong giáo xứ luôn đoàn kết, tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành và MTTQ phát động. Đồng bào theo đạo thực hiện nếp sống văn hóa, giúp nhau sản xuất và phấn đấu giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hàng năm, giáo xứ có trên 95% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa.

Ông Phan Trung Hưng-Trưởng ban Chức việc Giáo xứ Hoàng Yên-cho hay: “Những năm gần đây, bà con giáo dân đóng góp kinh phí và ngày công lao động cùng với người dân địa phương làm hơn 17 km đường bê tông nông thôn, lắp hàng trăm bóng điện chiếu sáng, thường xuyên chăm lo giữ gìn vệ sinh môi trường, thiết thực góp phần xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, giáo dân còn duy trì nguồn quỹ giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học sinh nghèo... góp phần vào công tác an sinh xã hội và xây dựng địa phương ngày càng khởi sắc”.

Có thể bạn quan tâm