Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Chư Prông thu hút nhiều lao động tự do

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau chuỗi ngày nắng hạn quay quắt, khi những trận mưa bắt đầu trút xuống đều đặn cũng là thời điểm để nông dân xuống giống cho vụ mùa. Mọi người đều muốn tranh thủ cho kịp thời vụ. Theo đó, nhu cầu lao động, đặc biệt là lao động có sức khỏe để làm những việc như: đào hố cà phê, dựng trụ tiêu, bỏ phân, làm cỏ... đang khá cao. Xuất phát từ thực tế đó, những ngày này, nhiều người lao động ở huyện Đak Đoa và một số địa phương lân cận đang đổ về Chư Prông để tìm việc làm.

 Người lao động tập trung thành từng nhóm ở trung tâm thị trấn Chư Prông. Ảnh: Khánh Linh
Người lao động tập trung thành từng nhóm ở trung tâm thị trấn Chư Prông. Ảnh: Khánh Linh

Vượt qua chặng đường khoảng 50-60 cây số, 6 giờ 30 phút sáng, hai bố con anh A Giã (ở làng O Đé, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) và hơn chục người khác cùng địa phương đã có mặt ở trung tâm thị trấn huyện Chư Prông để tìm việc.

Anh A Giã năm nay 40 tuổi, cậu con trai cũng đã là thanh niên, to khỏe, rắn chắc. Anh cho biết, hai bố con phải dậy từ rất sớm chuẩn bị xe cộ, dụng cụ, cơm nước cho cả ngày, rồi cùng với những người khác trong làng lên đường đi tìm việc. Đến thị trấn Chư Prông, những người lao động này chia nhau ra ngồi dọc theo trục đường Hùng Vương, số khác thì vào tận các xã có nhiều cà phê, hồ tiêu như: Ia Pia, Ia Ga hay Ia Phìn, Ia Drăng... Nếu có người thuê thì họ sẽ đi theo luôn ra rẫy, khi đó mới tranh thủ ăn bữa sáng mang theo từ nhà rồi vào việc luôn. Làm một mạch đến khoảng 11 giờ họ nghỉ ăn cơm trưa, nghỉ một chút rồi lại tiếp tục làm cật lực đến khoảng 4 giờ chiều là kết thúc ngày làm việc, lĩnh tiền công rồi lên đường về nhà. Cứ như thế, công cuộc tìm việc kéo dài đến hết mùa mưa.

Anh A Giã cho biết nhà anh có 5 người, anh và cậu con trai lớn đi tìm việc làm thuê, vợ anh ở nhà chăm sóc hai con nhỏ và làm ít ruộng nước. Lúa thu được chỉ đủ ăn, mọi chi tiêu, học hành của các con đều trông vào tiền công lao động mà hai bố con mang về. Công việc này anh đã làm 3 năm liên tục.

Ước tính mỗi ngày có cả trăm người đến Chư Prông tìm việc làm. Họ cho biết ở Đak Đoa cũng có việc làm nhưng những chủ vườn, rẫy bên đó chỉ ưa khoán công nhật, mỗi công người lao động chỉ nhận được từ 140 ngàn đồng đến 160 ngàn đồng, còn ở Chư Prông thì chủ vườn thường khoán theo “sản phẩm”. Công việc mà người lao động thích làm nhất là đào hố trồng cà phê hay trồng trụ tiêu. Mỗi hố cà phê, họ được trả từ 5 ngàn đồng đến 6 ngàn đồng, mỗi ngày một người cũng đào được từ 50 đến 60 hố.

Anh Ayun (ở xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Nếu có việc đào hố trồng cà phê, một ngày trừ tiền xăng xe hai người nhà em cũng còn được hơn 600.000 đồng. Tuy nhiên cũng có ngày không có ai thuê, phải về không, ngày đó là bị lỗ tiền xăng”.

Với gần 74 ngàn ha cây trồng, trong đó hơn 51 ngàn ha cây công nghiệp dài ngày, Chư Prông đang là địa phương thu hút rất nhiều lao động cả dài hạn lẫn thời vụ. Ngoài mùa mưa thì những thời điểm như thu hái cà phê, hồ tiêu cũng có rất nhiều nguồn lao động thời vụ ngoại tỉnh đổ về. Cũng đã xuất hiện những đầu mối chuyên về các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An để tìm nguồn lao động tự do vào cung cấp cho các chủ trang trại, vườn rẫy tại đây.

 Khánh Linh

Có thể bạn quan tâm