Kinh tế

Chư Pưh: Bấp bênh cây trồng ngắn ngày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên 25.000 tấn là con số dự ước tổng sản lượng lương thực huyện Chư Pưh đạt được trong năm 2012, tăng gần 2.000 tấn so với Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Kết quả tổng sản lượng tăng trên-theo nhìn nhận của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện xuất phát từ tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 20.925 ha, bằng 104,76% kế hoạch đề ra; đặc biệt diện tích cao su trồng mới trên địa bàn tăng.

Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết năm nay thuận lợi, năng suất bình quân cây trồng như bắp đạt 54,7 tạ/ha; lúa đông xuân đạt 50,45 tạ/ha, bí đỏ đạt 80 tạ/ha bằng hoặc tăng nhẹ so với các năm trước.

 

 

Một chuyên viên của phòng cho biết: Một trong những điều kiện để cây trồng ngắn ngày phát triển ổn định là nguồn nước và thị trường tiêu thụ. Thế nhưng cả hai yếu tố quan trọng này đều thiếu. Hiện tại, thị trường tiêu thụ nông sản từ cây trồng ngắn ngày chủ yếu dựa vào thương lái, vì vậy, khi giá rau đậu, bắp, bí đỏ, bí xanh vụ trước tăng, thì vụ sau diện tích các loại cây trồng này tăng đột biến và ngược lại.

Minh chứng rõ nhất là vụ sản xuất năm nay, tổng diện tích bí đạt 300-400 ha, giảm gần 50% so với các vụ gieo trồng trước. Tiếp đến, nguồn nước đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển cây trồng ngắn ngày dựa vào 6 đập dâng, đập tràn. Lưu lượng nước các đập trên tưới cho 600-700 ha cây trồng-con số quá thấp so với tổng diện tích gieo trồng toàn huyện. Xuất phát tự thực tế hệ thống đập dâng, đập tràn không thể điều tiết được nguồn nước, do vậy khi thời tiết nắng nóng kéo dài-Chư Pưh là địa phương đầu tiên có diện tích gieo trồng bị hạn.

Điển hình, vụ Đông Xuân 2010-2011, tổng diện tích cây trồng bị hạn lên đến 675 ha, trong đó có 400 ha lúa mất trắng, sản lượng lương thực bị thiệt hại trên dưới 2.000 tấn. 275 ha cây trồng còn lại năng suất giảm từ 30% đến  50%. Để né hạn, nông dân đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất kết hợp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn sử dụng cơ cấu giống ngắn ngày, chọn thời điểm gieo trồng sớm; song thực tế vẫn còn 50 ha đất sản xuất vụ Đông Xuân không thể đưa vào canh tác do thiếu nước nên nông dân chấp nhận bỏ đất trống.

Tạm lấy năng suất lúa bình quân đạt 5 tấn/ha, thì mỗi năm huyện Chư Pưh bị mất đi 250 tấn lương thực. Trong khi đó, công trình hồ chứa Plei Thơ Ga-công trình thủy lợi đầu tiên của huyện dự kiến cung cấp nước tưới ổn định cho vài trăm ha cây trồng, giải quyết một phần tình trạng cây trồng phát triển được-mất dựa vào nguồn nước trời hiện nay mới ở giai đoạn khảo sát.

Chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng phù hợp được xác định là giải pháp căn cơ để nông nghiệp huyện Chư Pưh phát triển đảm bảo diện tích, sản lượng trong điều kiện thiếu nước. Cụ thể hóa giải pháp này, mỗi năm Phòng Nông nghiệp và PTNT cân đối 50% trong tổng kinh phí 1 tỷ đồng được cấp để thực hiện phần việc xây dựng mô hình giống, cây trồng mới giúp nông dân chuyển đổi. Cùng với nguồn kinh phí trên kết hợp với nguồn hỗ trợ giống, phân bón của trung ương, tỉnh thông qua Chương trình 135, cấp không giống, phân bón… đặt tiền đề cho địa phương chủ động đưa giống lúa thuần chủng, xác nhận vào gieo trồng thay thế giống lúa cũ thoái hóa.

Từ kết quả thử nghiệm, đến nay diện tích trồng bắp giống mới C191 được nông dân nhân rộng vài chục ha, hình thành cơ cấu giống bắp chủ lực là CP368 và C191. Chủ động chuyển diện tích trồng lúa thiếu nước sang trồng rau, bí và diện tích trồng mì sang trồng bắp, tiêu. Ước tính, diện tích mì niên vụ năm nay giảm gần 200 ha so với vụ gieo trồng trước.

Tiếp tục lộ trình chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng trên, cơ quan chuyên môn của huyện đã xây dựng đề án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt cho địa phương thực hiện mô hình trồng mì giống KM 140 xen với đậu làm cơ sở thay thế giống mì KM94 bị thoái hóa do nhiễm bệnh chổi rồng. Xây dựng mô hình trồng cây ăn quả như sầu riêng, bơ sáp để thay thế dần diện tích trồng tiêu bị chết do bệnh. Nỗ lực là vậy, song theo nhìn nhận của ông Khánh để cây trồng trên địa bàn huyện phát triển ổn định, nhất là cây trồng ngắn ngày ngoài giải pháp xây dựng hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, cần có chế độ quản lý thực hiện quy hoạch cây trồng trong điều kiện đầu ra nông sản, phụ thuộc vào tư thương, nước tưới không đảm bảo như hiện nay.

Theo đó, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tiến hành quy hoạch tổng thể, còn địa phương chịu trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết từng vùng cây trồng; đồng thời xây dựng hành lang pháp lý xử lý hành chính, không hỗ trợ diện tích cây trồng bị thiệt hại nằm ngoài quy hoạch được phê duyệt.

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm