Kinh tế

Chư Pưh: Cải thiện thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều nông dân huyện Chư Pưh, Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích hồ tiêu chết sang trồng các loại cây khác để cải thiện thu nhập.
Gia đình anh Đỗ Văn Thiện (làng Djiêk, thị trấn Nhơn Hòa) có 1 ha đất trồng hồ tiêu. Mấy năm nay, vườn hồ tiêu liên tục bị nhiễm bệnh rồi chết sạch khiến gia đình anh rơi vào cảnh khó khăn. Đầu năm 2018, tình cờ xem trên mạng internet thấy cây măng tây dễ trồng lại tốt cho sức khỏe, anh Thiện đã mạnh dạn cải tạo đất vườn hồ tiêu bị chết để trồng thử nghiệm 2 sào măng tây. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn măng tây phát triển tốt và cho thu mỗi ngày 8-10 kg, bán với giá 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Thiện còn mua hạt măng tây về ươm bán cây giống cho những người có nhu cầu trồng loại cây này. “Trồng măng tây chỉ khoảng 7 tháng là được thu hoạch nên nhanh thu hồi vốn. Tuy nhiên, để măng tây cho năng suất, chất lượng cao đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật. Theo kinh nghiệm của tôi, cứ 2 tuần thì bón phân hữu cơ cho cây một lần; hàng ngày đều tưới nước để tạo độ ẩm cho cây phát triển”-anh Thiện chia sẻ.
  Vợ chồng anh Đỗ Văn Thiện (bìa phải) chia sẻ về cách chăm sóc măng tây. Ảnh: L.T
Vợ chồng anh Đỗ Văn Thiện (bìa phải) chia sẻ về cách chăm sóc măng tây. Ảnh: L.T
Cũng có một mảnh vườn trồng hồ tiêu bị chết, tháng 8-2018, anh Nguyễn Xuân Thành (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) đã cải tạo 3 sào đất để trồng ớt xen chanh dây. Cứ một luống trồng chanh dây, gia đình anh trồng xen một luống ớt. Sau khi trồng, anh làm hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Việc bón phân hữu cơ cho cây cũng được thực hiện thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ đó, cả chanh dây và ớt đều ít sâu bệnh, cho quả to và đều. Trong đó, cây ớt chỉ sau 3 tháng trồng đã cho thu hoạch. Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình anh thu được 3,5 tấn ớt. Với giá ớt trung bình 31.000 đồng/kg, gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng. Riêng với chanh dây, gia đình anh hiện đã thu bói được 5 tạ; dự tính đến hết năm 2019, sẽ thu được trên 100 triệu đồng. “So với hồ tiêu thì trồng ớt và chanh dây ít rủi ro hơn. Hơn nữa, 2 loại cây trồng này cũng có đầu ra ổn định nên thu nhập của gia đình tôi được đảm bảo”-anh Thành cho hay.
Một trường hợp khác cũng khá thành công khi chuyển đổi cây trồng trên diện tích hồ tiêu chết là ông Phan Cân (thôn Thiên An, xã Ia Blứ). Đầu năm 2018, ông Cân đã chuyển 4 sào đất trồng hồ tiêu bị chết sang trồng cây chuối mốc. Sau hơn 1 năm chăm sóc, vườn chuối mốc phát triển tốt, cho buồng to và đều. Đến nay, gia đình ông đã thu được hơn 100 triệu đồng từ bán chuối. Theo ông Cân, trồng chuối mốc cần ít vốn đầu tư, không tốn công chăm sóc. Cây chuối mốc phát triển rất nhanh, trồng khoảng 9 tháng đã cho thu buồng. “Giá bán chuối mốc hiện khá ổn định. Ngày thường, chuối mốc có giá khoảng 50.000-60.000 đồng/buồng nhưng vào ngày Rằm hoặc dịp Tết, giá sẽ cao hơn. Gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng chuối mốc để tăng thu nhập”-ông Cân cho hay.
Trong thời buổi giá cả các mặt hàng nông sản đang khá bấp bênh, đặc biệt là giá hồ tiêu và cà phê liên tục xuống thấp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng đắn của nhiều nông dân ở huyện Chư Pưh. Các loại cây trồng mới như măng tây, chuối mốc... không chỉ giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 LÊ TRANG

Có thể bạn quan tâm