(GLO)- Trước tình hình thời tiết biến đổi thất thường và dự báo hạn hán trong vụ Đông Xuân 2016-2017 tiếp tục xảy ra, huyện Chư Pưh đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi đất trồng lúa thường xuyên bị hạn sang trồng rau màu.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những tháng mùa khô năm 2016-2017, dòng chảy trên các sông suối ở các tỉnh Tây Nguyên giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20% đến 60%. Trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Chư Pưh là một trong những vùng hạn gay gắt và việc điều tiết nước tưới chống hạn gặp rất nhiều khó khăn. Trong vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn huyện gieo trồng hơn 510 ha lúa thì hạn hán đã làm hơn 447 ha (hơn 87,6%) bị mất trắng, giảm năng suất.
Người dân chuẩn bị đất sẵn sàng cho xuống giống rau trên đất lúa thường xuyên bị hạn. Ảnh: L.N |
Trước thực tế trên, để đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân an toàn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai thí điểm mô hình trồng rau trên đất lúa thường xuyên bị hạn với diện tích 5 ha, tại Plei Thơ Ga A (xã Chư Don). Theo đó, người dân chỉ phải đóng góp đất và công chăm sóc, còn giống, phân bón, kỹ thuật, hệ thống tưới tiêu, công làm đất được huyện hỗ trợ.
Ông Puih Eh (Plei Thơ Ga A)-một trong 8 hộ được chọn thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng rau, cho biết: “Vụ Đông Xuân 2015-2016, do thời tiết khô hạn đã làm mất trắng hơn 3,2 sào lúa của gia đình. Năm nay, được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, gia đình tiến hành trồng rau”. Ông Nguyễn Minh Hà-Chủ tịch UBND xã Chư Don nói: “Đây là mô hình mới. Trước đây, người dân trên địa bàn chưa trồng rau theo hướng sản xuất hàng hóa. Với sự quan tâm đầu tư của huyện, Chư Don dần hình thành vùng chuyên canh rau, giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, mô hình chuyển đổi cây trồng vùng hạn góp phần phát triển kinh tế.
Ông Phạm Ngọc Tuấn-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh cho biết: Huyện xây dựng đề án chuyển đổi một số cây trồng cạn thay thế cây lúa không đảm bảo nước tưới vụ Đông Xuân hoặc sản xuất lúa không hiệu quả nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Với mô hình trồng rau trên đất lúa thường xuyên bị hạn, huyện xác định sau khi triển khai thành công sẽ tiếp tục nhân rộng ra các khu vực khác để giúp người dân tiếp cận được với phương thức sản xuất mới. Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, huyện đã hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú tiêu thụ rau cho người dân và cung cấp rau cho 3 chợ lớn trên địa bàn huyện. Các loại rau được đưa vào trồng như bắp sú, cà rốt, cà giòn, dưa leo, cải xanh, cải cúc, rau muống…
Cũng theo ông Tuấn, trong quá trình triển khai mô hình, người dân trồng xen các loại rau ngắn ngày để có thu nhập và có được hiệu quả kinh tế ngay. Huyện xác định cây trồng chuyển đổi phải gắn với thị trường và có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và phù hợp với trình độ canh tác của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương. Ngoài ra, vụ Đông Xuân này, huyện tiếp tục hỗ trợ 75% chi phí giống cây trồng cho nông dân thực hiện nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước sang trồng rau màu, trồng cỏ, bắp lấy thân phục vụ chăn nuôi.
Gia Hưng