Theo trang tin quốc phòng Army Recognition hôm 6-11, đối mặt với tình trạng thiếu hụt ngày càng tăng, Nga đã lựa chọn sửa đổi tên lửa dẫn đường Kh-59 để sử dụng ở Ukraine.
Hình ảnh được kênh Telegram @Colonel GSh chia sẻ cho thấy Nga đã triển khai tên lửa Kh-59MK, trong đó đầu dẫn radar chủ động ARGSN U559 được thay thế bằng cấu trúc mô phỏng trọng lượng và kích thước của nó. Sự điều chỉnh này duy trì trọng tâm của tên lửa mà không làm ảnh hưởng đến độ ổn định khí động học.
Kh-59MK là tên lửa không đối đất tầm xa được phát triển từ Kh-59M. Nó có đầu dẫn radar chủ động được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên mặt nước, chẳng hạn như tàu thuyền và tàu tuần dương.
Kh-59MK thường trang bị trên các máy bay như Su-30MK, Su-32, Su-35, Su-24M và MiG-35. Tầm bắn của tên lửa được mở rộng từ 115 km đến 285 km bằng cách thay thế bộ tăng áp.
Kh-59MK đạt tốc độ từ 900-1.050 km/giờ, bay ở độ cao 10-15 m trên mặt nước và hạ độ cao xuống 4-7 m trong giai đoạn cuối.
Với đầu đạn nặng 320 kg, trọng lượng phóng 930 kg, kích thước dài 5,7 m, sải cánh 1,3 m và đường kính thân 0,38 m, Kh-59MK có xác suất bắn trúng mục tiêu cao, dao động từ 0,9-0,96 đối với tàu khu trục và tàu tuần dương, và từ 0,7-0,93 đối với tàu thuyền.
Đầu dẫn radar chủ động ARGSN là bộ phận phức tạp và đắt tiền nhất của tên lửa Kh-59. Việc thay thế nó bằng mô hình kim loại đơn giản có thể cho thấy sự thiếu hụt bộ phận này, hạn chế khả năng sản xuất tên lửa được trang bị đầy đủ của Nga. Kết quả là những tên lửa này chỉ dựa vào vệ tinh và dẫn đường quán tính, thiếu độ chính xác bổ sung của radar.
Mặc dù cách tiếp cận này mang lại hiệu quả kinh tế nhưng nó làm tăng khả năng tên lửa bị nhiễu điện tử, đặc biệt là ở giai đoạn bay cuối. Qua đó, các hệ thống tác chiến điện tử của Ukraine có thể cản trở đường đi của chúng.
Bên cạnh việc thiếu đầu dẫn radar chủ động, tên lửa Kh-59 sửa đổi cũng không có mô-đun liên lạc vệ tinh "Comet". Đây là tính năng giúp chống nhiễu có mặt trên máy bay không người lái Shahed-136 và tên lửa Iskander.
Vì vậy, Kh-59 sửa đổi càng bị giảm hiệu quả trong môi trường nơi tác chiến điện tử được triển khai rộng rãi.
Hơn nữa, tên lửa Kh-59 tiếp tục sử dụng động cơ P95-300 do công ty Motor Sich của Ukraine sản xuất. Nga dùng những động cơ này từ kho dự trữ từ thời Liên Xô hoặc bằng cách tháo dỡ các tên lửa Kh-55(SM) hiện có.
Sự phụ thuộc vào công nghệ đẩy từ thời Liên Xô khiến việc cung cấp và bảo trì loại tên lửa này trở nên khó khăn trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm 2022, Nga thường xuyên sử dụng tên lửa Kh-59 để nhắm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Những tên lửa dẫn đường không đối đất này được phóng chủ yếu từ máy bay Su-30 và Su-34. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng bị hạn chế bởi khả năng phòng không của Ukraine.
Thống kê chỉ ra rằng lực lượng phòng không Ukraine đã đánh chặn khoảng 22% tên lửa dẫn đường Kh-59, Kh-35 và Kh-31 do Nga phóng. Tỉ lệ tương đối thấp này có thể là do tên lửa thường bắn vào các mục tiêu gần tiền tuyến, nơi việc triển khai hệ thống phòng không gặp nhiều thách thức hơn.
Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)