(GLO)- Huyện Chư Pưh (Gia Lai) là cửa ngõ phía Nam của tỉnh, cách trung tâm TP. Pleiku 70 km. Tuy mới thành lập được 9 năm nhưng Chư Pưh đã được coi là một trong những huyện năng động của tỉnh về phát triển kinh tế. Với tiềm năng phong phú về đất đai, khoáng sản, các nguồn năng lượng, Chư Pưh có điều kiện để phát triển kinh tế hơn nữa trong thời gian tới.
Vùng đất giàu tiềm năng
Chư Pưh giáp huyện Chư Sê về phía Bắc, giáp huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak) về phía Nam, giáp huyện Chư Sê và Phú Thiện về phía Đông, giáp huyện Chư Prông về phía Tây. Huyện có quốc lộ 14 chạy dọc từ Bắc xuống Nam với tổng chiều dài 32 km. Hầu hết các xã của huyện đều nằm dọc quốc lộ 14, là điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, phát triển kinh tế với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là vùng đất màu mỡ với tổng diện tích các nhóm đất đỏ vàng lên đến 26.869,79 ha, đất đen 5.060,74 ha, đất phù sa 4.786,51 ha, đất xám 21.192,15 ha. Cộng thêm khí hậu nóng, ẩm, Chư Pưh có điều kiện thích hợp để phát triển sản xuất các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, cao su, cây dược liệu và chăn nuôi bò thịt, dê. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có trữ lượng khoáng sản dồi dào, gồm: cát xây dựng 5.790 m3, đá xây dựng 1.873.245 m3, đá granite 445.948 m3, quặng fluorit 32.500 tấn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ) thăm khu vực dự kiến xây dựng hồ thủy lợi Plei Thơ Ga năm 2016. Ảnh: Đức Thụy |
Trên cơ sở lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Chư Pưh hết sức quan tâm đến phát triển nông nghiệp, xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 23.585,7 ha. Trong đó, diện tích các loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu đạt 2.991,6 ha, cao su 7.842,4 ha, cà phê 2.265,2 ha, điều 127,1 ha.
Một số cây trồng chủ lực của huyện như cao su, hồ tiêu, cà phê đã hình thành các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung có quy mô trên 200 ha. Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển một phần diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, mít, cam, bưởi, ổi, na, xoài, nhãn. Đây cũng là những loại cây phù hợp với chủ trương của huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ngoài tiềm năng về sản xuất nông nghiệp và khai thác khoáng sản, qua khảo sát tại địa bàn, huyện Chư Pưh còn khá giàu tiềm năng về năng lượng. Cụ thể, Chư Pưh là khu vực có cường độ bức xạ cao, tốc độ gió cao theo bản đồ bức xạ và bản đồ gió thế giới. Đồng thời, tiềm năng về dòng chảy của huyện cũng khá dồi dào. Đây chính là điều kiện để các đơn vị khảo sát xây dựng các dự án về điện gió, điện mặt trời, thủy điện.
Trung tâm hành chính huyện Chư Pưh. Ảnh: Ngọc Thu |
Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp
Huyện Chư Pưh đặt mục tiêu đến năm 2025 trên địa bàn hình thành 14 cánh đồng lớn với tổng diện tích 610 ha với các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, lúa nước và rau màu. Để đạt mục tiêu này, những năm qua, huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất-tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Huyện cũng thành lập các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn nhằm tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ để phát triển bền vững và tập trung đẩy mạnh phát triển trồng trọt quy mô cánh đồng lớn.
Để phát triển trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến, huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô 49,5 ha nằm dọc trục quốc lộ 14. Chủ trương của huyện là kêu gọi đầu tư 1 nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh, 1 nhà máy chế biến cà phê, 1 nhà máy chế biến thức ăn gia súc và 1 nhà máy chế biến hồ tiêu tại cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp này.
Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Ảnh: Ngọc Thu |
Trong 2 ngày (6 và 7-9), huyện Chư Pưh sẽ tổ chức Hội thảo liên kết chuỗi giá trị sản xuất về nông nghiệp, điện năng và phiên chợ nông sản an toàn nhằm thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp tập trung đầu tư các dự án trên địa bàn. |
Ngoài phát triển trồng trọt, huyện Chư Pưh còn tập trung phát huy lợi thế về chăn nuôi gia súc. Hiện tổng đàn gia súc toàn huyện có 55.225 con, gia cầm 61.542 con.
Trên địa bàn huyện hiện có 9 trang trại chăn nuôi heo công nghiệp tập trung với quy mô đàn trên 2.000 con/trang trại/chu kỳ nuôi, trong đó đã có 4 trang trại áp dụng công nghệ chăn nuôi khép kín gắn với hệ thống xử lý chất thải ra môi trường. Huyện đã quy hoạch khu chăn nuôi theo hướng công nghiệp quy mô 24,74 ha tại xã Chư Don, nơi thuận lợi về nguồn nước, giao thông và xa khu dân cư. Đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp đối với một số loại gia súc như heo, bò và chăn nuôi gà gắn với giải quyết lao động tại địa phương.
Đối với việc phát triển nguồn năng lượng sạch, hiện đã có một số doanh nghiệp đến khảo sát để xây dựng dự án về điện gió, điện mặt trời, thủy điện tại huyện Chư Pưh. Với mức tăng trưởng nhu cầu điện năng trên địa bàn huyện khoảng 10%/năm, việc đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện là hết sức cấp thiết, hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai gần.
Với những tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, huyện Chư Pưh hứa hẹn sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư nhằm khai thác hết các thế mạnh của địa phương, góp phần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Lê Quang Thái
Chủ tịch UBND huyện