Kinh tế

Chư Pưh: Nhiều mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình trạng hồ tiêu chết do dịch bệnh, nhiều nông dân ở huyện Chư Pưh, Gia Lai đã chủ động tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Các mô hình chuyển đổi được triển khai bước đầu đạt hiệu quả, góp phần giúp người dân vượt qua khốn khó.



Mới đây, đồng chí Lê Phan Lương-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có chuyến khảo sát tình hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi tại huyện Chư Pưh. Mục đích của chuyến công tác là nhận định, đánh giá hiệu quả một số mô hình kinh tế do người dân tự chuyển đổi, trên cơ sở đó định hướng tuyên truyền để nhân dân toàn tỉnh học tập, nhân rộng.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương (phải) khảo sát mô hình trồng cây ăn quả tại thôn Phú An, xã Ia Le-Ảnh Mộc Trà
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương (bìa phải) khảo sát mô hình trồng cây ăn quả tại thôn Phú An, xã Ia Le. Ảnh: Mộc Trà



Chuyển đất hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả

5 năm trước, khi diện tích hồ tiêu của gia đình bị chết, ông Đỗ Hữu Tín (làng Hrai Dong, thị trấn Nhơn Hòa) đã cải tạo 8,5 sào đất rồi lặn lội vào Tiền Giang mua 600 cây mít Thái về trồng. Chỉ sau 18 tháng chăm sóc, mít bắt đầu ra quả, mỗi cây 5-6 quả, mỗi quả đạt trọng lượng 6-10 kg, thậm chí có quả lên đến 20 kg. Thương lái thường tìm đến vườn mít của ông Tín để thu mua với giá 25.000-30.000 đồng/kg. Mỗi năm, vườn mít cho thu hoạch 2 mùa, sản lượng đạt khoảng 42 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Tín lãi hơn 500 triệu đồng.

 Ông Đỗ Hữu Tín (làng Hrai Dong, thị trấn Nhơn Hòa) bên xe mít vừa thu hoạch để bán cho thương lái. Ảnh: M.T
Ông Đỗ Hữu Tín (làng Hrai Dong, thị trấn Nhơn Hòa) bên xe mít vừa thu hoạch để bán cho thương lái. Ảnh: M.T



Thấy trồng mít Thái mang lại hiệu quả cao, ông Tín vừa xuống giống thêm 600 cây xen với bơ trên diện tích 1,3 ha. Riêng vườn mít hiện tại, do không thể chăm nom xuể, ông đã cho một thương lái ở Đồng Nai là anh Nguyễn Cao Kỳ thuê trọn gói; bản thân chỉ quản lý chung và hướng dẫn kỹ thuật. Anh Kỳ cho hay: “Đầu năm 2019, trong quá trình thu mua bơ ở Gia Lai, tôi biết đến vườn mít của ông Tín. Thấy hiệu quả, tôi đề nghị ông cho thuê lại vườn để chăm sóc và thu hoạch trong vòng 3 năm với giá 400 triệu đồng. Hiện tôi đang thu hoạch đợt thứ 3, tất cả số mít này sẽ được chở về Đồng Nai để bán với giá 25.000-40.000 đồng/kg”.

Vườn cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Tăng (thôn Phú An, xã Ia Le) là điểm đến thứ 2 của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong chuyến khảo sát. Tương tự gia đình ông Tín, bà Tăng cũng từng lao đao vì nguồn thu nhập chính là cây hồ tiêu bị chết hàng loạt, giá cả liên tục sụt giảm. Năm 2015, bà quyết định trồng 100 cây bưởi da xanh, 100 cây cam ruột đỏ, 600 cây cam sành, 100 cây quýt đường, 100 cây na Thái, 60 cây mít Thái, 300 cây cam xoàn, 100 cây chanh tứ quý và một ít ổi, nhãn, táo trên diện tích 1,4 ha hồ tiêu chết. “Sau 2 năm chăm sóc, 50% diện tích trồng cây ăn quả đã cho thu hoạch. Trừ chi phí, mỗi năm, chúng tôi thu về hơn 200 triệu đồng. Dự kiến khi toàn bộ vườn bước vào giai đoạn kinh doanh, nguồn thu sẽ đạt khoảng 400-500 triệu đồng/năm. Tôi đang chuẩn bị trồng thêm 7 sào chanh, sầu riêng, nhãn… Nhờ hiệu quả của mô hình chuyển đổi này, gia đình tôi không những trả hết số nợ trước kia vay để đầu tư trồng hồ tiêu mà còn bắt đầu có tích lũy”-bà Tăng phấn khởi nói.

Ông Phạm Ngọc Kha-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Le-thông tin: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 1.300 hộ đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả trên diện tích 650 ha. Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã xác định và triển khai cho người dân trồng các loại cây phù hợp với chân đất của mình, đảm bảo sản lượng và có thể quản lý được số lượng, tránh trồng tràn lan. Hiện đầu ra của các loại trái cây tương đối ổn định, từng bước giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn.

Phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Có thâm niên trồng hồ tiêu hơn 20 năm, song ông Trần Bá Chiến (thôn Phú Bình, xã Ia Le) cũng rơi vào tình cảnh khó khăn chung như bao hộ dân khác trên địa bàn huyện Chư Pưh. Đầu năm 2019, ông quyết định trồng dâu nuôi tằm. Ông Chiến cũng là một trong những hộ tiên phong của xã Ia Le triển khai thực hiện mô hình này. “Vì gia đình ở Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) vốn có truyền thống trồng dâu nuôi tằm nên tôi khá thuận lợi khi triển khai. Tôi dành 300 m2 đất làm nơi nuôi tằm và chuyển 6 sào đất hồ tiêu chết sang trồng dâu. Vốn đầu tư cho tằm chỉ bằng 1/10 so với cây hồ tiêu nhưng thời gian thu hoạch rất ngắn và liên tục. Mỗi tháng, tôi thường nuôi gối đầu 2-3 lứa và có thể nuôi quanh năm; lợi nhuận hàng tháng khoảng 15 triệu đồng”-ông Chiến hồ hởi cho biết.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ 2 từ phải sang) mong muốn ông Trần Bá Chiến hỗ trợ người dân trên địa bàn xã Ia Le phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm trong thời gian tới. Ảnh: Mộc Trà
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ 2 từ phải sang) mong muốn ông Trần Bá Chiến hỗ trợ người dân trên địa bàn xã Ia Le phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm trong thời gian tới. Ảnh: Mộc Trà



Cũng theo ông Chiến, nuôi tằm không khó nếu kiên trì và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, chỗ nuôi tằm phải khô ráo, sạch sẽ, kín gió; lá dâu cho tằm ăn phải sạch và khô. Thêm vào đó, để năng suất kén đạt cao nên cho tằm ăn khoảng 4 lần/ngày vào các thời điểm thích hợp.

Sau khi tham quan nơi nuôi tằm của gia đình ông Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương mong muốn với kinh nghiệm sẵn có của mình, ông Chiến sẽ liên kết, hỗ trợ, hướng dẫn người dân trên địa bàn xã nói riêng và huyện nói chung (trong đó có các hộ đồng bào dân tộc thiểu số) thử nghiệm trồng dâu nuôi tằm để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống; đồng thời, làm đầu mối cung cấp giống dâu và tằm cho người dân, tránh tình trạng mua phải các loại giống trôi nổi, kém chất lượng.


Trên địa bàn huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã xây dựng được 5 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gồm: hơn 118 ha nhãn Hương Chi, 100 ha lúa J02, 15 ha nghệ sạch, hơn 43 ha dâu tằm tơ, 15 ha mít Thái; chuyển đổi gần 1.000 ha diện tích hồ tiêu chết sang trồng cây ăn quả.
 


 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm