Ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện-cho biết: Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện có 3 mỏ khai thác khoáng sản có giấy phép hoạt động gồm: 2 mỏ đang hoạt động của Công ty Sản xuất đá granite Hồng Gia Lai khu vực 1 và 2 tại xã Ia Phang; 1 mỏ đã cấp phép nhưng hết thời hạn khai thác của Công ty ΤΝΗΗ Bách Long 1 khai thác quặng fluorit tại xã Ia Le, đang tiến hành các thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định.
Bên cạnh đó, có 3 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường đang hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Loan Duy Nhất tại thị trấn Nhơn Hòa, Công ty cổ phần Đá Chư Pưh Trang Đức tại xã Ia Hrú và Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Đức Sang tại xã Ia Le; 1 điểm mỏ hết thời gian khai thác của Công ty TNHH một thành viên Duy Nhất tại thị trấn Nhơn Hòa.
Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng huyện Chư Pưh phát hiện và tịch thu tang vật, xử phạt hành chính người dân lén lút chẻ đá ở rẫy thuộc địa bàn xã Ia Hrú. Ảnh: L.N |
“Nhìn chung, các doanh nghiệp có giấy phép khai thác khoáng sản đã chấp hành các quy định của pháp luật khi khai thác đúng khu vực, tọa độ, công suất được cấp phép; có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường và lập hồ sơ thuê đất”-ông Quang thông tin.
Để quản lý tốt tài nguyên khoáng sản, hàng năm, UBND huyện thành lập đoàn liên ngành thực hiện công tác kiểm tra định kỳ tại các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của cấp trên hoặc theo kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản.
Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép xảy ra trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt 9 trường hợp vi phạm Luật Khoáng sản với tổng số tiền 88 triệu đồng.
Nhằm tăng cường công tác phối hợp xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực giáp ranh 2 huyện Chư Pưh và Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk), Phòng Tài nguyên và Môi trường 2 huyện đã xây dựng quy chế phối hợp.
Ông Lê Thanh Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le-cho hay: Trước đây, dọc theo con suối lớn cầu 110 giáp ranh với huyện Ea H’leo chảy dọc theo xã Ia Le, Ia Blứ thường xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Khi chúng tôi kiểm tra thì họ đưa phương tiện sang bờ suối phía bên kia thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk nên rất khó xử lý. Để giải quyết triệt để tình trạng này, UBND xã phối hợp với huyện Ea H’leo cùng triển khai tuần tra, truy quét, xử lý vi phạm hành chính nên tình trạng khai thác cát tại khu vực này không còn xảy ra.
“Trên địa bàn xã chỉ có 1 điểm khai thác đá của Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Đức Sang. Hàng năm, chúng tôi đều thành lập đoàn kiểm tra, nhắc nhở Công ty khai thác đúng theo giấy phép được phê duyệt.
Ngoài ra, UBND xã chỉ đạo ban nhân dân các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân phát hiện, tố giác những đối tượng lén lút khai thác khoáng sản, nhất là khai thác đất, đá, cát trái phép”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Le chia sẻ.
Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Tứ cho biết: Hàng năm, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, UBND huyện thành lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra đột xuất về tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm.
Những tảng đá lớn thuộc địa phận xã Ia Hrú do người dân lén lút khai thác. Ảnh: L.N |
Theo ông Tứ, mặc dù UBND huyện thường xuyên chỉ đạo tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra.
Bên cạnh đó, công tác quản lý trữ lượng khai thác khoáng sản đối với địa phương vẫn đang thực hiện theo báo cáo của doanh nghiệp và đối chiếu với hiện trường khai thác. Vì vậy, việc quản lý trữ lượng khai thác còn thiếu cơ sở và không chính xác, dẫn đến việc thu thuế, phí đối với hoạt động khai thác khoáng sản chưa phù hợp, có thể gây thất thoát ngân sách.
Nhiều loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được phân tán nhỏ lẻ, đặc biệt là đá xây dựng, đất cấp phối được phân bố đều ở các khu vực nên việc bố trí lực lượng kiểm soát, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác gặp nhiều khó khăn…
Gia Lai quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
Gia Lai: Xử phạt 55 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép
“Ban Thường vụ Huyện ủy đang xây dựng Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý nhà nước về khoáng sản. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về Luật Khoáng sản cho cán bộ, công chức các xã, thị trấn, cán bộ thôn, làng; các tổ chức, cá nhân và người dân biết nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, phối hợp giám sát để phát hiện và tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Tiếp tục duy trì đoàn kiểm tra liên ngành của huyện để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp khai thác đúng tọa độ vị trí, diện tích khu vực mỏ, độ sâu, công suất được phép khai thác ghi trong giấy phép; khai thác đúng theo thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt; lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường; cung cấp thông tin truy cập vào hệ thống camera giám sát về UBND huyện để phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của doanh nghiệp”-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh nhấn mạnh.