Kinh tế

Chư Sê: 44 con bò nghi bị bệnh lở mồm long móng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, từ ngày 5 đến 8-5, trên địa bàn xã Dun có 44 con bò của 15 hộ dân (làng Ring Răng) xuất hiện các triệu chứng nghi là bệnh lở mồm long móng.

Sau khi tiếp nhận báo cáo của UBND xã Dun, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND xã Dun đã tiến hành đi kiểm tra thực tế tại làng Ring Răng. Qua kiểm tra số bò trên xuất hiện các triệu chứng như miệng chảy nhiều nước dãi, kẽ móng chân có lở loét, ăn kém…

Trên cơ sở đó, ngành chức năng huyện Chư Sê sơ bộ chuẩn đoán số bò trên nghi bị bệnh lở mồm long móng. Ngành chức năng huyện cũng xác định nguyên nhân dẫn đến xuất hiện bệnh là do thời tiết trên địa bàn diễn biến thất thường, nắng nóng kéo dài làm sức đề kháng của đàn bò giảm; người dân chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, mặt khác đàn bò trên địa bàn xã chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng theo quy định.

UBND huyện cần sớm cấp kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng bệnh lở mồm long móng trên địa bàn. Ảnh: Quang Tấn

UBND huyện cần sớm cấp kinh phí mua vắc xin để tiêm phòng bệnh lở mồm long móng trên địa bàn. Ảnh: Quang Tấn

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Trước mắt, huyện sẽ tập trung hướng dẫn các hộ dân phương pháp điều trị đàn bò nhiễm bệnh như: dùng các chất sát trùng nhẹ (xanh Metylen, thuốc tím 1%), nước chanh, nước khế để rửa, sát trùng các chỗ lở loét; cấp phát ECO 500 trị vết loét; dùng thuốc trợ sức, trợ lực: bổ sung vitamin, khoáng chất; dùng kháng sinh để chống các bệnh nhiễm trùng kế phát; nuôi nhốt, cách ly bò ốm, tránh lây lan ra diện rộng.

Đồng thời, huyện đã cấp 12 lít hóa chất Benkocid cho xã Dun để tiến hành phun hóa chất vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trên toàn xã tiêu diệt mầm bệnh.

Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị UBND xã Dun nghiêm cấm không cho mua bán bò bệnh ra khỏi địa bàn xã; nếu có trường hợp bò nhiễm bệnh bị chết phải tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn sâu giữa 2 lớp vôi bột theo hướng dẫn của thú y.

“Phòng cũng tham mưu UBND huyện sớm cấp kinh phí để mua vắc xin tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn trâu, bò trên địa bàn huyện tránh lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện sớm lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh lở mồm long móng để công bố dịch theo quy định”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm