(GLO)- Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cả nước hiện có 52.171 ha hồ tiêu, trong đó 46.153 ha đã đi vào kinh doanh với tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn. Trong đó, tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất là Bình Phước với 9.181 ha kinh doanh, kế đến là Bà Rịa-Vũng Tàu (6.304 ha), Đồng Nai (6.272 ha), Đak Nông (6.130 ha), rồi Gia Lai (4.881 ha). Thời điểm này hồ tiêu đã bước vào vụ thu hoạch với khoảng 20% trên tổng sản lượng.
Tại Gia Lai, Chư Sê là huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất với 1.989 ha (1.796 ha kinh doanh), kế đến là Chư Pưh với 1.766 ha (1.641 ha kinh doanh), Chư Prông 622 ha (400 ha kinh doanh)… Hai huyện Chư Sê và Chư Pưh có khoảng 8.000 hộ trồng tiêu, trong đó 2.500 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2012, sản lượng hồ tiêu tại huyện Chư Sê ước đạt 6.700 tấn (chiếm 44% sản lượng tiêu toàn tỉnh) và huyện Chư Pưh ước đạt 6.600 tấn (chiếm 33% sản lượng tiêu toàn tỉnh), năng suất bình quân 6 tấn/ha/năm.
Ảnh: Lê Văn Nhung |
Theo khảo sát của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam mới đây cho biết, niên vụ 2010-2011 và ước 2011-2012 nhờ điều kiện thuận lợi nên vùng tiêu này có hàng trăm hộ nông dân thu hoạch được trên 10 tấn/hộ như tại thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) có hộ ông Đoàn Văn Cung, Nguyễn Đức Hùng; tại thôn 6, xã Ia Blang (huyện Chư Sê) có hộ ông Nguyễn Văn Luyến (32 tấn), Lê Phước Tuấn (15 tấn), Nguyễn Văn Tình (30 tấn)…
Theo ông Hoàng Phước Bính- Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, hiện nay lứa tiêu đầu giá đạt 122.000 đồng/kg khô. Nếu tiêu đạt tiêu chuẩn tiêu nguyên liệu (về dung trọng 500gr/lít, độ ẩm 15o và tạp chất 1%) thì giá sẽ là 135.000 đồng/kg. Đây là giá cao nhất so với nhiều năm gần đây và tăng khoảng 40.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2011. Với mức giá như thế này chứng tỏ lượng tiêu vẫn còn khan trên thị trường thế giới và là tín hiệu vui cho người trồng tiêu có một mùa thắng lợi.
Ảnh: Lê Văn Nhung |
Với giá tiêu như trên, việc vay và trả nợ ngân hàng không còn khó khăn đối với người trồng. Ông Lê Thanh Quang- Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Chư Sê cho biết, trong năm 2011 đơn vị cho khoảng 4.000 hộ vay với tổng dư nợ trên 200 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2.000 hộ vay vốn để đầu tư chăm sóc tiêu. Đến thời điểm này chưa có trường hợp nào có dấu hiệu nợ xấu mà ngược lại người trồng trả lãi đến kỳ hạn rất nghiêm túc. Nhiều hộ ngoài việc vay vốn, họ đồng thời còn gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Nhìn chung, từ 3 năm trở lại đây, tổng sản lượng hồ tiêu của hai huyện Chư Sê và Chư Pưh vẫn luôn giữ ổn định 20-25% trên tổng sản lượng tiêu thu hoạch của cả nước và đem về một lượng ngoại tệ hàng năm khá lớn.
Việc theo dõi thông tin kịp thời của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê thời gian qua đến người trồng là một đóng góp rất lớn trong việc cảnh báo ổn định diện tích, tình hình giá cả thị trường để tạo sự ổn định trong sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, ép giá. Từ đó, người nông dân thực sự được quan tâm đúng mức theo yêu cầu đầu ra của sản phẩm sau thu hoạch một cách có hệ thống như kỹ thuật thu hoạch, hệ thống sân phơi, kho tàng bảo quản… nhằm tăng giá trị vô hình trên sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, theo nhận định của nhiều nhà chuyên môn thì hồ tiêu vẫn có thể giữ giá cao đến năm 2013. Đây sẽ là tín hiệu vui khi hồ tiêu là “cây vàng” cho người trồng.
Lê Văn Nhung