Chư Sê: Chung tay phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, các cấp, các ngành ở huyện Chư Sê đã tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội, cùng chung tay đẩy lùi tình trạng này.

Theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê, năm 2016, toàn huyện phát hiện 12 trường hợp trẻ em bị ngược đãi, bạo hành và xâm hại (8 vụ bạo hành và 4 vụ xâm hại). Trước tình hình đó, việc tổ chức các chương trình tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và năng lực của trẻ, gia đình và nhà trường trong việc chủ động tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em là hết sức cần thiết.

 

Diễn đàn “Trẻ em với vấn đề phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Ảnh: M.K
Diễn đàn “Trẻ em với vấn đề phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Ảnh: M.K

Ông Trần Minh Nhật-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương Binh và Xã hội huyện Chư Sê, cho biết: “Tháng Hành động vì trẻ em năm 2017 được triển khai từ ngày 1 đến  30-6 với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em” nhằm tiếp tục phát động toàn xã hội chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em; nâng cao vai trò của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong phòng-chống bạo lực, xâm hại để trẻ em được sống trong môi trường an toàn và phát triển toàn diện. Trong dịp này, chúng tôi tổ chức các sự kiện và các hoạt động truyền thông phong phú, rộng khắp nhằm phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, các kỹ năng chăm sóc, phòng  ngừa cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc và trẻ em như: diễn đàn “Trẻ em với vấn đề phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, “Ngày hội giáo dục kỹ năng phòng-chống tai nạn thương tích cho trẻ em”.  
 

Ông Trần Minh Nhật-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê: “Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục thì huyện Chư Sê còn tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao, văn nghệ giữa trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với các trẻ bình thường khác để các em có điều kiện chia sẻ, tăng cường sự tự tin, hòa nhập cộng đồng; góp phần hạn chế trẻ em tham gia vào các trò chơi bạo lực và các tệ nạn xã hội khác. Như vậy sẽ phần nào kiểm soát được tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đảm bảo cho trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh”.

Tại diễn đàn “Trẻ em với vấn đề phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, các em được nói lên suy nghĩ của mình về các vấn đề liên quan đến Luật Trẻ em và đặc biệt là việc phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Các em được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình về những vấn đề xung quanh cuộc sống hàng ngày mà các em được chứng kiến; đồng thời một lần nữa nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cùng chung tay thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em tránh khỏi các nguy cơ và hành vi xâm hại, bạo lực. Ngoài ra, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện còn phối hợp tổ chức các lớp kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng thực hiện quyền bày tỏ ý kiến phù hợp với lứa tuổi.
 

Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho trẻ. Ảnh: M.K
Tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho trẻ. Ảnh: M.K

Để tạo điều kiện cho mọi trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh, bổ ích, huyện Chư Sê đã thực hiện các biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm ngăn ngừa và hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích, bị bóc lột sức lao động và rơi vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật do thiếu sự quan tâm, giáo dục, bảo vệ của gia đình. Đặc biệt, gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội quan tâm hơn nữa tới việc lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của trẻ em để có sự chăm sóc, giáo dục phù hợp.

Mai Ka

Có thể bạn quan tâm