Kinh tế

Chư Sê định hướng xây dựng thương hiệu yến sào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sự ra đời của Hội Yến sào huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) nhằm tạo mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và hướng đến xây dựng thương hiệu yến sào của vùng đất này trong những năm tới.

Huyện Chư Sê một thời là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh. Đặc biệt, thương hiệu hồ tiêu Chư Sê đã khẳng định giá trị, chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, do hồ tiêu chết nhiều, giá lại xuống thấp nên bà con nông dân chuyển sang đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến lấy tổ. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 228 nhà nuôi yến với sản lượng hàng năm đạt 700 kg tổ yến. Nghề này giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định.

Nhà nuôi yến của ông Phạm Phú Hoan (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Ảnh: Nguyễn Diệp
Nhà nuôi yến của ông Phạm Phú Hoan (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Ảnh: Nguyễn Diệp


Ông Phạm Phú Hoan (thôn 16, xã Bờ Ngoong) cho biết: “Những năm trước, tôi trồng hơn 10 ha hồ tiêu, cà phê. Tuy nhiên, thời gian qua, diện tích hồ tiêu của gia đình bị bệnh chết nhiều. Qua theo dõi trên các phương tiện truyền thông và học tập từ những hộ nuôi chim yến, năm 2018, tôi quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng cải tạo lại tầng 3 nhà đang ở thành nhà yến và mua máy móc, thiết bị dẫn dụ chim yến về làm tổ.

Đến nay, đàn chim yến về ở, làm tổ ổn định, từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Hàng năm, tôi thu được khoảng 10 kg tổ yến thô, bán với giá 22 triệu đồng/kg. Hiện tại, tôi đầu tư mở rộng thêm 400 m2 nhà yến để cùng chung sức với các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê”.

Tương tự, ông Đặng Xuân Tâm (xã Chư Pơng) cho hay: “Năm 2019, tôi đầu tư 600 triệu đồng xây dựng nhà nuôi chim yến cùng các thiết bị máy móc dẫn dụ yến. Cuối năm 2020, tôi thu hoạch lần đầu được 1,5 kg tổ yến. Hiện chim yến tiếp tục về làm tổ nên tôi rất kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nguồn thu nhập ổn định từ nghề này.

Vừa rồi, tôi tham gia Hội Yến sào huyện Chư Sê để được chia sẻ những thông tin hữu ích từ các hộ có nhiều kinh nghiệm hơn về kỹ thuật xây nhà, vị trí trổ cửa chuồng, nhiệt độ, độ ẩm, âm thanh... phù hợp trong nhà yến giúp tăng đàn nhanh, cho tổ đẹp. Chúng tôi chung sức cùng nhau xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ”.

Ông Phạm Tiến Dũng-Chủ tịch Hội Yến sào huyện Chư Sê-cho biết: Hội được thành lập để các hội viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, Hội hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê trong những năm tới.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, những năm gần đây, hoạt động dẫn dụ và gây nuôi chim yến phát triển mạnh tại các huyện: Ia Pa, Phú Thiện, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê và thị xã Ayun Pa. Toàn tỉnh hiện có 712 nhà yến với sản lượng hàng năm khoảng 3,5 tấn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Hội Yến sào huyện Chư Sê ra mắt Ban Chấp hành. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ban Chấp hành Hội Yến sào huyện Chư Sê ra mắt. Ảnh: Nguyễn Diệp


Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Nghề nuôi chim yến là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Vùng đất Chư Sê có nhiều tiềm năng để phát triển nghề này nhờ nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu phù hợp. Để nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thì cần phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

“Thời gian tới, Hội Yến sào huyện Chư Sê cần giới thiệu, quảng bá hình ảnh qua các hoạt động thương mại điện tử, hội chợ triển lãm, tham gia Chương trình OCOP để phát triển thị trường. Các hộ nuôi chim yến cần cùng nhau xây dựng thương hiệu yến sào Chư Sê như thương hiệu hồ tiêu để nâng cao chất lượng và giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”-ông Nghĩa cho biết thêm.

 

NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm