Bạn đọc

Chư Sê: Gần 10 ha rừng trồng bị phá hoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 11-1, gần 300 người dân của  làng Phăm Klăh 1 và Phăm Klăh 2 (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) kéo lên tiểu khu 1028 thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê chặt phá hàng chục ha rừng trồng. Điều đáng nói là tình trạng chặt phá rừng này đã từng xảy ra trước đó nhưng cơ quan chức năng chưa kịp xử lý.

Chiều 12-1, ông Nguyễn Hữu Tâm-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chư Sê cho biết, sự việc trên xảy ra ngày 11-1. Sau khi nhận thông tin báo cáo từ xã, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành cùng lực lượng chức năng đến hiện trường để xử lý vụ việc.

 

Nhiều diện tích rừng cạnh tiểu khu 1028 bị chặt và đốt trước đó. Ảnh: H.T

Theo ông Tâm, diện tích rừng trồng bị chặt phá là 9,64 ha gỗ sao, nằm trong tổng diện tích 30 ha gỗ sao (thuộc địa phận làng Tơ Drăh) được trồng từ năm 2006, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do các hộ nhận khoán đất rừng thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đã sử dụng đất không đúng mục đích. Thay vì trồng cao su thì các hộ dân và cán bộ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê đã chuyển sang trồng tiêu và cà phê. Điều này đã gây bức xúc cho các hộ dân ở 2 làng nói trên.

Ủy ban nhân dân huyện Chư Sê yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê phải trả lời nguyên nhân vì sao các hộ nhận khoán đất rừng không trồng cao su mà trồng tiêu và cà phê. Đồng thời rà soát danh sách các hộ sử dụng sai mục đích đất rừng giao khoán để có hướng giải quyết.

Chiều 12-1, phóng viên Báo Gia Lai đã đến tại hiện trường để ghi nhận vụ việc. Tại đây hầu hết các cây gỗ sao có đường kính trên dưới 20 cm đều bị đốn hạ. Bên cạnh số gỗ sao thuộc tiểu khu 1028, nhiều diện tích rừng cũng đã bị người dân chặt và đốt từ trước. Anh Siu Hùng (28 tuổi, trú tại làng Phăm Klăh 1) cho biết: Phần đất này trước đây dân làng trồng lúa rẫy. Từ khi chuyển về cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê quản lý, cơ quan này đã giao lại một số diện tích cho các hộ nhận khoán với cam kết chuyển đổi trồng cao su. Nhận thấy giá cao su xuống thấp, nhiều hộ nhận khoán đất rừng đã chặt phá cao su để trồng tiêu và cà phê khiến cho dân làng bức xúc, kéo lên chặt phá rừng sao để chia đất cho các hộ trong làng trồng tiêu.

Nhật Hào

Có thể bạn quan tâm