Kinh tế

Chư Sê: Phòng-chống dịch bệnh trên cây hồ tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, tình trạng hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhiều nông dân huyện Chư Sê, Gia Lai. Trước thực trạng đó, huyện đang tăng cường các biện pháp phòng-chống dịch bệnh cho loại cây trồng chủ lực này.

Cây hồ tiêu chết mỗi ngày

Đứng trước vườn hồ tiêu khoảng 1.000 trụ đã chết khô, anh Kpă Ky (làng Kueng Đơn, xã Hbông) buồn bã nói: “Cây hồ tiêu chết mỗi ngày. Trồng trong vườn, trồng ngoài rẫy dù có hay không có cây lớn chắn gió, che bóng mát, cây hồ tiêu đều chết”. Không chỉ gia đình anh Kpă Ky, nhiều hộ khác ở làng Kueng Đơn cũng đang khốn đốn vì cây hồ tiêu bị bệnh chết chậm.

 

Người dân chăm sóc vườn hồ tiêu. Ảnh: internet
Người dân chăm sóc vườn hồ tiêu. Ảnh: internet

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cho biết: Toàn huyện có 3.750 ha hồ tiêu thì đã có tới 400 ha bị chết do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nắng hạn kéo dài, sâu bệnh, già cỗi. Những địa phương có nhiều diện tích hồ tiêu bị chết trong năm nay là xã Hbông, Ia Blang, thị trấn Chư Sê... Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên tại chuyến thực tế kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh hồ tiêu mới đây, huyện Chư Sê đang tổ chức rà soát, tổng hợp diện tích hồ tiêu bị chết. Qua số liệu tổng hợp sơ bộ thì diện tích hồ tiêu bị chết ngày càng nhiều.

Tăng cường phòng-chống dịch bệnh

Trước tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, huyện Chư Sê đã và đang tăng cường nhiều biện pháp để phòng-chống dịch bệnh trên loại cây trồng này. Cán bộ kỹ thuật của huyện đã xuống tận cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chăm sóc, thu gom và xử lý cỏ rác, làm các bờ bao không cho các nguồn nước chảy vào vườn hồ tiêu để phòng các loại dịch bệnh lây lan, đồng thời nhận biết, phát hiện những dấu hiệu của cây hồ tiêu bị bệnh. Từ đó, có những biện pháp phù hợp để ngăn chặn việc lây lan và xử lý triệt để các loại dịch bệnh trên cây hồ tiêu. Đối với những diện tích hồ tiêu đã chết khô, huyện vận động, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây khác phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Đến nay, nông dân huyện Chư Sê đã chuyển đổi gần 100 ha hồ tiêu già cỗi, bị chết sang trồng các loại cây như: sầu riêng, bơ, mít Thái, cây dược liệu, chanh dây...

Là người có hơn 20 năm nghiên cứu, theo dõi và đề ra các biện pháp trị bệnh cho cây hồ tiêu, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khẳng định: Các bệnh nấm mốc, tuyến trùng, sâu bệnh trên cây hồ tiêu ở Chư Sê rất khó chữa trị. Để hạn chế dịch bệnh trên cây hồ tiêu, huyện Chư Sê nói riêng, các huyện khác nói chung cần tăng cường các biện pháp phòng-chống như: không trồng cây hồ tiêu trên đất hợp thủy, có độ pH thấp dưới 5; xử lý đất trước khi trồng cây hồ tiêu khoảng 20 ngày bằng thuốc có hoạt chất Clinoptilolite; phân bò đã hoai mục phải ủ với chế phẩm Trichoderma từ 7 đến 10 ngày trước khi bón cho cây; không trồng các giống hồ tiêu không rõ nguồn gốc; không để vườn hồ tiêu úng nước trong mùa mưa...

Hoàng Cư

Có thể bạn quan tâm