Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Chư Sê: Rừng đầu nguồn bị xâm hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng đầu nguồn đang diễn ra ở huyện Chư Sê (Gia Lai) và có nguy cơ lan rộng nếu chính quyền địa phương và đơn vị quản lý rừng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Gần đây, UBND tỉnh nhận được đơn phản ánh của người dân về việc tại khu vực giáp ranh giữa xã Hbông với xã Ayun (huyện Chư Sê) và xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) xuất hiện một nhóm người cho ủi một con đường lớn xuống rừng đầu nguồn để tạo thuận lợi trong việc lấn chiếm đất rừng. Đồng thời, các đối tượng huy động người dân tại chỗ phá rừng để chuyển thành đất rẫy và bán lại cho họ nhằm hợp thức hóa. Sau khi nhận đơn phản ánh, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Chư Sê, Phú Thiện chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng tổ chức kiểm tra thực tế, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
 Gốc một cây gỗ lớn bị cưa hạ và mang ra khỏi rừng. Ảnh: C.H
Gốc một cây gỗ lớn bị cưa hạ và mang ra khỏi rừng. Ảnh: C.H
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 10-12, đoàn công tác của huyện Chư Sê gồm cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê và cán bộ địa chính xã Hbông đã đi thực địa hiện trường nhằm xác minh thông tin phản ánh. Từ làng Tơ Nung (xã Hbông), đoàn di chuyển khoảng 3 km qua khu sản xuất của người dân thì phát hiện một con đường mới mở dài gần 1 km, rộng khoảng 3 m. Một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê cho biết, con đường mới mở được hình thành trên đường mòn trước đây, do người dân tự đóng góp kinh phí thực hiện để vận chuyển nông sản. Việc mở con đường này không xâm phạm đến cây rừng.
Khi đoàn công tác đi thêm gần 1 km nữa thì phát hiện một điểm có nhiều cây nhỏ bị chặt hạ, lá cây vẫn còn xanh. Đáng chú ý, ở xung quanh khu vực này, nhiều cây gỗ (chủ yếu là gỗ dầu) có đường kính khoảng 40 cm đã bị cưa hạ và mang ra khỏi hiện trường. Tiếp tục đi sâu vào rừng, đoàn công tác ghi nhận khoảng 0,4 ha rừng có cây gỗ lớn đã bị đốn hạ, có cây bằng cả người ôm, cành nhánh được tập trung thành từng đống nhỏ chuẩn bị đốt. Tại hiện trường còn sót lại một số lóng gỗ nhỏ.
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Văn Lập-cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê tham gia đoàn công tác thừa nhận có hiện tượng chặt hạ cây rừng, lấn chiếm và xâm canh đất rừng. Các vị trí ghi nhận cây rừng bị chặt hạ là rừng phòng hộ, thuộc địa giới hành chính xã Hbông, do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê quản lý. Tại khu vực 0,4 ha rừng có cây gỗ bị đốn hạ, cơ quan chức năng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm nhưng không xác định được đối tượng liên quan. Ngay sau khi phát hiện các vụ việc phá rừng, lấn chiếm và xâm canh đất rừng, cán bộ địa bàn của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Sê đã đến hiện trường nhưng các đối tượng đã bỏ chạy.
Trả lời câu hỏi của P.V về việc các đối tượng huy động người dân tại chỗ phá rừng để chuyển thành đất rẫy và bán lại nhằm hợp thức hóa đất rừng như phản ánh, ông Lập khẳng định không thể có việc này. Theo ông Lập, các vị trí cây rừng bị đốn hạ là do người dân tự ý lấn chiếm để lấy đất sản xuất. “Thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ quy định không được lấn chiếm, xâm canh đất rừng. Đồng thời, khẩn trương xác minh và kiên quyết xử lý các trường hợp chặt hạ cây, lấn chiếm, xâm canh đất rừng”-ông Lập thông tin thêm.
Chí Hào

Có thể bạn quan tâm