Huyện Chư Sê có 126 thôn, làng, tổ dân phố với dân số trên 128.000 người, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 48,72%. Khi bắt tay triển khai xây dựng NTM, huyện đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm, thống nhất các chương trình hành động sát với thực tế, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh tạo sự phát triển vượt bậc về mọi mặt. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 3,03%, thu nhập bình quân đầu người đạt 67,31 triệu đồng/năm. Huyện đã có 12 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã chưa đạt chuẩn là Ia Ko và Ayun.
Ông Vũ Văn Sỹ-Bí thư Đảng ủy xã Ia Ko-cho biết: “Theo kế hoạch, năm 2022, xã Ia Ko sẽ về đích NTM. Tuy nhiên, xã không đạt mục tiêu do gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí thu nhập và hộ nghèo. Nguyên nhân do Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 cao hơn so với trước đây. Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã hướng dẫn xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ người dân vay vốn để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế. Cùng với đó, xã tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân, qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận của người dân, phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay”.
Mô hình trồng bắp sinh khối trên diện tích đất trồng lúa bị hạn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê. Ảnh: Phạm Ngọc |
Những năm qua, huyện Chư Sê đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện để các doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân đầu tư phát triển sản xuất; thành lập các tổ hội, hợp tác xã để tập hợp các hộ có cùng sở thích trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng cánh đồng lớn tạo ra chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Bà Nguyễn Thị Uyên Ny-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Thời gian qua, huyện đã vận động người dân chuyển đổi hơn 516 ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả. Huyện cũng đã hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu, cây ăn quả có múi, trồng dâu nuôi tằm, trồng hồ tiêu, cà phê ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 1.514 ha. Đến nay, huyện có 14 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Cùng với việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, huyện còn tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Nhờ đó, tất cả các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được nhựa hóa; các tuyến đường giao thông nông thôn, nội đồng được bê tông hóa, cứng hóa thuận tiện cho người dân đi lại. Từ năm 2010 đến nay, người dân đã hiến gần 30.000 m2 đất và tham gia trên 300.000 ngày công để xây dựng các công trình công cộng. Cùng với đó, các hội, đoàn thể phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở vận động xã hội hóa xây dựng được hơn 7 km đường điện chiếu sáng ở các làng, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn.
Người dân làng Keo, xã Ayun thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Phạm Ngọc |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Để đạt mục tiêu về đích NTM vào năm 2024, huyện tập trung rà soát các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện các tiêu chí ở các xã đã được công nhận để giữ vững và đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới. Cùng với đó, huyện đề nghị các xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, làm tốt công tác xã hội hóa để người dân, doanh nghiệp hiểu được vai trò, trách nhiệm cùng chính quyền địa phương tham gia xây dựng NTM. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ minh chứng các tiêu chí đã đạt, chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và đề ra giải pháp thực hiện cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến mọi mặt ở khu vực nông thôn. “Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện Chư Sê sẽ tiếp tục có bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng NTM theo đúng lộ trình đã đề ra”-ông Hợp khẳng định.