(GLO)- Sau khi triển khai Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn 2 xã Hbông và Ayun giai đoạn 2017-2020, diện mạo nông thôn tại 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã thay đổi nhanh chóng, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Hàng trăm hộ thoát nghèo
Trong giai đoạn 2017-2020, huyện Chư Sê đã triển khai Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng NTM tại 2 xã Hbông và Ayun. Theo đó, hàng năm, mỗi xã được huyện hỗ trợ 5 tỷ đồng cùng các nguồn vốn lồng ghép khác giúp người dân phát triển kinh tế. Trong đó, các xã tập trung triển khai chương trình hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất như: cấp phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng phù hợp… nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Một góc trung tâm xã Hbông. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Nguyễn Đức Cường-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ayun-cho hay: Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư, hàng năm, xã khảo sát nhu cầu thực tế của người dân để hỗ trợ giống lúa nước, phân bón, bò sinh sản, thuyền và lưới đánh bắt thủy sản. Xã cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân áp dụng vào sản xuất.
Từ năm 2017 đến năm 2020, xã đã hỗ trợ 6.086 kg lúa giống và 31.112 kg phân bón cho 41 hộ; hỗ trợ cây ăn quả và cây điều ghép cho 35 hộ; cấp 25 máy nông nghiệp, 142 chiếc thuyền cùng 710 tấm lưới cho 142 hộ; cấp bò sinh sản cho 235 hộ. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước cải thiện. Đặc biệt, trong giai đoạn này, xã đã giảm được 378 hộ nghèo (tương đương hơn 47%). Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 30 triệu đồng/năm.
Là một trong những hộ được hỗ trợ bò sinh sản, ông Đinh Phiếu (làng Keo, xã Ayun) nói: Trước đây, cuộc sống của tôi cũng như bà con trong làng rất khó khăn. Từ khi được hỗ trợ bò giống, gia đình chủ động trồng cỏ, cố gắng chăm sóc thật tốt để bò mau lớn, sớm sinh bê. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm 1 ha mì, 200 cây điều và 5 sào lúa nước. Bên cạnh đó, dân làng rất phấn khởi khi hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học… được Nhà nước đầu tư xây dựng ngày một hoàn thiện, góp phần giúp bà con sản xuất ổn định.
Ông Đinh Phiếu (làng Keo, xã Ayun) phấn khởi vì được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Cũng từ nguồn vốn của Đề án và vốn lồng ghép khác, xã Hbông tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương để từng bước thoát nghèo bền vững. Chủ tịch UBND xã Phạm Hữu Viên cho hay: “Từ năm 2017 đến năm 2020, toàn xã đã có 408 hộ thoát nghèo từ các nguồn lực hỗ trợ của Đề án. Hiện xã còn 174 hộ nghèo, chiếm 8,9%”.
Ông Siu Lăn-Trưởng thôn Kte (xã Hbông) cho hay: “Trước đây, đời sống và hoạt động sản xuất của dân làng gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, khi được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp và được hướng dẫn kỹ thuật, đời sống của bà con đã dần cải thiện. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được bê tông hóa, cứng hóa giúp người dân vận chuyển nông sản rất thuận lợi. Hiện nay, người dân đã liên kết với Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai trồng mía mang lại nguồn thu nhập ổn định”.
Tạo đà xây dựng NTM
Nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, diện mạo kinh tế-xã hội của 2 xã đặc biệt khó khăn Ayun và Hbông đang đổi thay từng ngày. Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở 2 xã đã có sự khởi sắc. Theo thống kê sơ bộ, tổng các nguồn lực đầu tư cho 2 xã giai đoạn 2017-2020 là trên 83,2 tỷ đồng, trong đó, xã Ayun hơn 41,9 tỷ đồng, xã Hbông hơn 31,3 tỷ đồng. Đến nay, xã Ayun đã đạt 10/19 tiêu chí NTM, xã Hbông đạt 14/19 tiêu chí.
Đường vào làng Ring (xã Hbông) đã được cứng hóa kết nối với quốc lộ 25. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Chủ tịch UBND xã Hbông cho hay: Từ khi thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng NTM, diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi đáng kể. Đến nay, cơ sở hạ tầng tại 7 thôn, làng của xã ngày một hoàn thiện; đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã hình thành.
Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày một nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,9 triệu đồng/năm, cao gấp đôi so với năm 2016. Từ một xã có xuất phát điểm thấp trong xây dựng NTM, đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí. Với 5 tiêu chí còn lại, xã phấn đấu hoàn thành trong năm 2021.
Trao đổi với P.V. ông Nguyễn Văn Thương-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Hiện nay, các phòng, ban của huyện đang tập trung rà soát, tổng kết đánh giá hiệu quả của Đề án. Đồng thời, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực khác nhau để hỗ trợ 2 xã Ayun và Hbông đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, sớm hoàn thành chương trình xây dựng NTM”.
NGUYỄN DIỆP