Kinh tế

Chư Sê: Tiêu lại chết hàng loạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ khoảng trung tuần tháng 7 đến nay, hàng chục hộ dân ở làng Roh Lớn (xã Al Bá-huyện Chư Sê) và nhiều hộ khác ở các xã: Ia Pal, Bờ Ngoong, Kông Htôk phải sống trong cảnh mất ăn, mất ngủ vì tiêu chết hàng loạt. Hộ ít thì dăm bảy chục trụ, hộ nhiều có đến hàng ngàn trụ.
Dẫn chúng tôi thăm vườn tiêu 300 trụ không còn lấy một cây, anh Kpuih Nhac (làng Roh Lớn, xã Al Bá) ngậm ngùi: “Chưa bao giờ tiêu chết nhiều như năm nay. Nhà mình chỉ có 300 trụ nhưng đã bị chết gần hết, vài trụ thưa thớt còn lại lá cũng đang thi nhau úa vàng, thối rễ, thối thân. Chẳng bao lâu nữa cũng sẽ chết cả thôi”. Khi hỏi anh “Không cứu tiêu à?”, anh lắc đầu ngao ngán: Vô ích! Không còn kịp nữa rồi! Năm ngoái còn thu được 1 tạ tiêu chứ năm nay không mong được cân nào. Đói là cái chắc!”.
Anh Kpuih Nhac (làng Roh Lớn, xã Al Bá) bên trụ tiêu vừa phát bệnh. Ảnh: Lê Hòa
Anh Kpuih Nhac (làng Roh Lớn, xã Al Bá) bên trụ tiêu vừa phát bệnh. Ảnh: Lê Hòa
Cùng tình cảnh lao đao vì tiêu chết như anh Nhac, anh Nguyễn Minh Nhánh ở cùng làng còn xót xa hơn: “Vườn nhà tôi có tổng cộng 700 trụ tiêu, 300 trụ đã chết còn trơ trụ gỗ. Chưa kể chúng tôi đã “đổ” vào đó 6 triệu đồng tiền thuốc mà tiêu chết vẫn cứ chết! 300 cây này chủ yếu rơi vào diện tích mà gia đình mới phá cà phê để trồng”.
Thiệt hại nặng nhất là hộ gia đình ông Trần Xuân Thọ (cũng ở làng Roh Lớn) có hơn 2.000 trụ tiêu thì có đến gần 1.000 trụ bị chết. Nhà ông Vũ Văn Thìn có 1.000 trụ, bị chết gần 600 trụ, hay nhà bà Trần Thị Lành (làng Roh Nhỏ, xã Al Bá) có trên 1.000 trụ thì chết mất vài trăm trụ… Đa số trụ tiêu bị chết đều rơi vào độ tuổi chuẩn bị cho thu hoạch bói hoặc mới thu hoạch một vài năm. Điều này khiến cho người trồng tiêu ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tiêu chết, không chỉ mất đi nguồn thu, mà bao nhiêu vốn liếng, công sức của bà con nông dân cũng đổ sông, đổ biển, thậm chí nhiều hộ vốn ít còn còng lưng vì nợ vốn, phân bón đầu tư…
Theo lời những chủ vườn thì tốc độ chết của mỗi trụ tiêu chỉ kéo dài trong vòng 1 tuần. Dấu hiệu mắc bệnh ban đầu là tiêu bị vàng úa lá, sau đó thấy rễ và thân thối đen và cả trụ tiêu rụng sạch lá, quả, còn trơ lại thân bám trên trụ. Một số hộ may mắn phát bệnh sau nên cảnh giác và đổ thuốc sớm. Số “dính” bệnh sớm hầu hết đành bó tay trước sự chết hàng loạt của tiêu. Những hộ “dính” bệnh nặng, dù lặn lội tìm cả kỹ sư nông nghiệp về tư vấn, chữa trị song tiêu bệnh vẫn không thoát khỏi chết.
Cũng theo các hộ này, đây cũng không phải là năm đầu tiên xuất hiện bệnh, tuy nhiên, chết hàng loạt như hiện nay thì chỉ năm nay mới thấy. Điều lạ là, dù bệnh dịch xảy ra cách đây khá lâu, song ngành chức năng và chính quyền địa phương gần như chưa có động thái gì đáng kể để hỗ trợ nông dân trồng tiêu khắc phục.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng tiêu ở Ablă, Ia Pal mà còn một số khu vực lân cận khác như Kông HTốk, Bờ Ngoong cũng xuất hiện rải rác hiện tượng này nhưng với mức độ ít nghiêm trọng hơn. Thiệt hại của người dân đã quá rõ, nhưng nhìn cách cứu vãn của họ bằng cách chạy đi tìm “thầy” hết nơi này đến nơi khác trị bệnh cho tiêu quả thực xót lòng!
Thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh cho biết, ngay từ khi nắm được thông tin Chi cục đã cử cán bộ xuống các địa phương có tiêu chết để tìm hiểu nguyên nhân nhưng đến nay vẫn chưa xác định được bệnh. Hơn nữa, từ đầu năm Chi cục cũng đã hướng dẫn bà con quy trình chăm sóc, phòng ngừa bệnh.
Lê Hòa- Ngọc Vũ

Có thể bạn quan tâm