Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của sự nghiệp giải phóng dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định quan trọng, góp phần to lớn tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, làm thay đổi vận mệnh nước nhà.
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, sáng 2/9/1945. (Ảnh: TTXVN)

Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, sáng 2/9/1945. (Ảnh: TTXVN)

Cách mạng Tháng Tám được dẫn dắt bởi thiên tài tư tưởng và tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng cách mạng chân chính do Người sáng lập và rèn luyện đã đưa dân tộc Việt Nam tới kỷ nguyên độc lập, tự do, mở ra thời đại mới cho sự phát triển của dân tộc ta. Đó là Thời đại Hồ Chí Minh - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ là linh hồn của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là linh hồn của cuộc kháng chiến 30 năm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám 1945

Với tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt được tình hình thế giới, đánh giá đúng thời cơ cách mạng, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã xây dựng lực lượng và lãnh đạo quân, dân cả nước tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong bản hùng ca ấy, không thể không kể đến vai trò lĩnh xướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã có những quyết định quan trọng, góp phần to lớn tạo nên thắng lợi của cách mạng mùa thu năm ấy, làm thay đổi vận mệnh nước nhà.

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Nhận thức rõ tính chất quyết định, ý nghĩa chiến lược của thời cơ khởi nghĩa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hành động kịp thời và kiên quyết trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Thời cơ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ xuất hiện khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phátxít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, hàng ngũ chỉ huy của Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần.

Đồng thời, thời cơ cách mạng xuất hiện cũng là lúc mọi chuẩn bị của Đảng ta về lực lượng, đường lối, phương châm tác chiến đã hoàn thiện, khi mà cao trào cứu nước của toàn dân đã dâng lên tới đỉnh cao nhất.

Các cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra và thắng lợi ở nhiều vùng. Khu giải phóng và căn cứ địa được lập ra trong cả nước, quân đội cách mạng đã được thành lập, chiến tranh du kích phát triển và lan rộng; “đội quân chính trị” của quần chúng nhân dân bao gồm hàng chục triệu người được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng chiến đấu.

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 13 đến 15/8/1945, nhận định thời cơ đã đến, quyết định Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.”

Ngay trong đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã ra Quân lệnh số 1, phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Người làm Chủ tịch.

Trong thư kêu gọi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.”

Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu: TTXVN)

Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8). Đặc biệt, ngày 19/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội gây tiếng vang lớn trong cả nước.

Cuộc khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở Hà Nội đã góp phần làm tan rã nhanh chóng toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền tay sai của Nhật trong cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong 15 ngày, từ 13 đến 28/8/1945. Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn người dân nước Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên của độc lập, tự do, tạo thế và lực cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước hết đã chứng minh rằng, Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Sau này, Đảng ta đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc

Ngọn cờ tất thắng và linh hồn của sự nghiệp kháng chiến

Đại hội lần thứ IV của Đảng đã nhận định: "Thắng lợi to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam ngót nửa thế kỷ qua mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc làm rạng rỡ non sông đất nước ta, để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau những di sản bất diệt."

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV, từ ngày 14-20/12/1976, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV, từ ngày 14-20/12/1976, tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Trước âm mưu xâm lược trở lại của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã chỉ rõ và cùng Đảng ta xác định rất đúng mục đích chính trị của cuộc kháng chiến và chủ trương tiến hành một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực tự cường, vừa kháng chiến vừa kiến quốc nhằm thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân bằng chiến tranh cách mạng và tiếp tục cuộc cách mạng đó trong quá trình chiến tranh.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, xuất phát từ đặc điểm nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền, đã chủ trương đưa miền Bắc chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa và xác định đường lối cách mạng của cả nước trong tình hình mới: giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ đó với nhau nhằm thực hiện một mục tiêu chung: hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, mở đường đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đối với cách mạng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vạch ra được mục tiêu, phương pháp cách mạng đúng đắn cùng những chủ trương chiến lược và sách lược hết sức sáng tạo, có hiệu lực, phù hợp đặc điểm tình hình trong từng giai đoạn cụ thể, giành thắng lợi từng bước, tiến lên thắng lợi hoàn toàn.

Là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã rèn luyện Đảng ta thành một đảng cầm quyền với đặc trưng vừa là người lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng và tiến hành chiến tranh cách mạng, vừa là "người đày tớ thật trung thành của nhân dân."

Người đã dày công đào tạo nên những hạt nhân cách mạng đầu tiên trên tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Dưới sự dìu dắt của Người, Đảng ta ngày càng vững mạnh. Đảng viên phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu trong chiến đấu cũng như trên mọi lĩnh vực xây dựng đất nước, được nhân dân tin yêu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đã vạch ra chiến lược đại đoàn kết toàn dân và chỉ đạo thực hiện chiến lược đó đạt hiệu quả lớn. Mặt trận dân tộc thống nhất được thành lập do sáng kiến của Người, với các tên gọi khác nhau phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước, đã tập hợp đông đảo các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo, tạo nên sức mạnh quyết định trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Người trực tiếp chỉ đạo xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng. Người sáng lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, xác định tính chất của Nhà nước dân chủ nhân dân của ta là "Nhà nước của dân do dân và vì dân," một nhà nước hợp hiến, hợp pháp, do giai cấp vô sản lãnh đạo. Người luôn chăm lo xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch vững mạnh, có hiệu lực và xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên Nhà nước có đạo đức cách mạng, liêm khiết và có tài năng trong chấp hành nhiệm vụ, thật sự là "người đày tớ thật trung thành của dân."

Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)

Ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. (Ảnh: Đinh Đăng Định/TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã có cống hiến lớn trong lĩnh vực vũ trang toàn dân, xây dựng các lực lượng Vũ trang Nhân dân, Quân đội Nhân dân và tiến hành chiến tranh nhân dân.

Người đã sớm nghiên cứu các vấn đề này cả về lý luận và thực tiễn, đã tham khảo kinh nghiệm chiến tranh của nhiều nước để vận dụng phù hợp vào điều kiện nước ta. Những nội dung rất sáng tạo trong lĩnh vực này cùng với phương châm, nguyên tắc hoạt động của các lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân là những nội dung cơ bản hình thành nên cơ sở của đường lối chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự của chiến tranh cách mạng Việt Nam, nghệ thuật lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ quân sự đầu tiên của Đảng, là người Cha thân yêu của các lực lượng Vũ trang Nhân dân, đã hết sức chăm lo xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam - một Quân đội cách mạng kiểu mới được nhân dân tôn vinh với lòng tin yêu trìu mến "Bộ đội Cụ Hồ."

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã xây đắp nên tình đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung với các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân các dân tộc trên toàn thế giới. Với tư tưởng "cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới," "giúp bạn là tự giúp mình, Người đã gắn đất nước mình với quốc tế, dân tộc với thời đại

Đã tiến hành những hoạt động ngoại giao hết sức sắc bén và có hiệu quả, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới, kể cả ở những nước tư bản, đế quốc. Chính là từ Chủ tịch Hồ Chí Minh mà sức mạnh của thời đại được kết hợp với sức mạnh của dân tộc đã tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù xâm lược, tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới và nâng cao vị thế của dân tộc ta, đất nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta khi cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cuối, nhưng tư tưởng của Người vẫn tiếp tục dẫn dắt và soi sáng cho nhân dân Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng là thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh cách mạng 30 năm. Quân và dân ta đã hoàn thành thắng lợi Di chúc thiêng liêng của Người, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện Bắc Nam sum họp một nhà.

Thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám cũng như những trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam mãi mãi gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, làm rạng rỡ non sông đất nước ta, để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau những di sản bất diệt.

Có thể bạn quan tâm