Kinh tế

Tài chính

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Gói hỗ trợ là cần thiết để phục hồi kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khẳng định sự cần thiết trong thời điểm hiện tại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mục tiêu của gói hỗ trợ chính sách tài khóa, tiền tệ là hỗ trợ cho phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, hỗ trợ cuộc sống người dân và từ đó quay lại mục tiêu tăng trưởng cao hơn để giải quyết những vấn đề xã hội khác.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Linh Khoa)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Linh Khoa)


Chiều 4/1, phát biểu tại thảo luận tổ kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn đạt 2,58%. Điều này thể hiện sự cố gắng lớn của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành, đặc biệt là người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, thấp hơn so với mục tiêu 6,5% Quốc hội đề ra.

Nông nghiệp và xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế

Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm qua cũng có những điểm sáng, thí dụ như nông nghiệp tăng trưởng cao và vẫn là nền tảng quan trọng của nền kinh tế.

“Năm 2021 sản xuất tăng thêm hơn 1,1 triệu tấn thóc, xuất khẩu nông nghiệp đạt tỷ lệ tốt, khoảng 40 tỷ USD… nguyên nhân là do những năm trước chúng ta đã xây dựng 670 nhà máy chế biến, nhiều vùng sản xuất các loại nông sản thực phẩm chứ không chỉ một vùng, rồi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra các thị trường rộng lớn…”, Chủ tịch nước cho biết.

Bên cạnh nông nghiệp đạt gần 40 tỷ USD thì xuất khẩu của Việt Nam cũng là điểm sáng, kim ngạch 2 chiều đã đạt được con số hơn 660 tỷ USD. Chủ tịch nước cũng cho rằng còn điểm sáng rất quan trọng nữa là thu ngân sách năm 2021 vượt dự toán mặc dù GDP tăng trưởng thấp.


 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, chiều 4/1. (Ảnh: Linh Khoa)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ, chiều 4/1. (Ảnh: Linh Khoa)


Tăng chi để giải quyết vấn đề việc làm, phục vụ tăng trưởng

Dẫn chứng hiện nay đời sống của người dân còn gặp khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đặc biệt tại các đô thị, Chủ tịch nước cho rằng để đạt được mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là rất khó khăn.

Nhấn mạnh việc phấn đấu quyết liệt để phục hồi tăng trưởng, hỗ trợ phát triển là rất quan trọng, Chủ tịch nước khẳng định sự cần thiết phải có chính sách hỗ trợ trong thời điểm hiện tại và bày tỏ cơ bản tán thành chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Theo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước đã “rất mạnh tay” tăng chi ngân sách để phục hồi kinh tế, do đó Việt Nam cần “chấp nhận” việc nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng, tín dụng tăng trong tầm kiểm soát, “bơm tiền” ra nền kinh tế để giải quyết vấn đề lao động phục vụ tăng trưởng.

“Ở đây đang có tình hình là sức cầu của nền kinh tế còn yếu, cho nên chúng ta phải tăng tổng cầu, nhất là những khu vực bị dịch bệnh, những đối tượng khó khăn cần hỗ trợ, đặc biệt là người nghèo, công nhân lao động”, Chủ tịch nước nêu quan điểm đồng thời cũng lưu ý là cần phải giữ được kinh tế vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát.

Bày tỏ đồng tình với những đề xuất trong tờ trình dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chủ tịch nước cũng cho rằng các chính sách như tăng bội chi, vay quỹ dự trữ ngoại hối, phát hành trái phiếu, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, giảm thuế, phí, đặc biệt là bố trí vốn ngân sách nhà nước,… cùng với chính sách tăng tín dụng, giảm lãi suất thì mới tạo nên một khối lượng cần thiết để thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Linh Khoa)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Linh Khoa)


“Những chủ trương như vậy rất cần thiết trong lúc này, cho nên các phiên họp này có ý nghĩa rất lớn để thúc đẩy kinh tế-xã hội đất nước phát triển, nhằm phục hồi tăng trưởng, thực hiện được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đề ra”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ nhanh nhất

Chủ tịch nước cũng đặc biệt lưu ý việc hỗ trợ cho người lao động và các khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện “khẩn trương, quyết liệt” để đến được tay người dân, doanh nghiệp, để tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

“Thiết kế lại cơ chế khuyến khích và thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp, cho người dân, làm sao họ tiếp cận được gói hỗ trợ một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất, chống tham ô, lãng phí tốt nhất”, Chủ tịch nước nói.

Thể hiện sự đồng tình với các đề xuất về chính sách tiền tệ, tài khóa, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, có mục tiêu tăng trưởng cả về lượng và chất, tăng năng suất lao động theo tinh thần “tự cường”.

Khẳng định mục tiêu của chính sách tài khóa, tiền tệ là hỗ trợ cho phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, hỗ trợ cuộc sống người dân và từ đó quay lại mục tiêu tăng trưởng cao hơn để giải quyết những vấn đề xã hội khác, Chủ tịch nước cho rằng việc áp dụng những giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới cần làm “tốt hơn, mạnh hơn”, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể và có kết quả cụ thể.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng lưu ý cần có chính sách đột phá hơn nữa cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng với đó là hoàn thiện thể chế một cách đồng bộ, có giải pháp tổng thể.

Theo TRỊNH DŨNG (NDĐT/Ảnh: LINH KHOA)

Có thể bạn quan tâm