Chính trị

Tin tức

Chủ tịch Quốc hội dự hội thảo 40 năm Ủy ban các vấn đề xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chiều 26-6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo "Ủy ban về các vấn đề xã hội với chính sách, pháp luật thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội".

Hội thảo được tổ chức nhân dịp 40 năm Ngày thành lập Ủy ban Y tế và Xã hội- tiền thân của Ủy ban về các vấn đề xã hội (2-7-1976 - 2-7-2016).

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Hội thảo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tới dự và phát biểu với hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự vui mừng dự Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề xã hội tổ chức nhân dịp kỷ niệm chặng đường 40 năm từ khi Ủy ban Y tế và Xã hội của Quốc hội khóa VI đến Ủy ban về các vấn đề xã hội hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá đây là cơ hội đáng trân trọng để cùng nhìn lại những chặng đường đã đi qua trên con đường xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách nhằm thúc đẩy những giá trị tiến bộ và công bằng xã hội vì con người.

Điểm lại chặng đường của Ủy ban, Chủ tịch Quốc hội khẳng định suốt 40 năm qua, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã khẳng định vai trò tham mưu và sự đóng góp thiết thực của mình vào những thành tựu quan trọng của sự phát triển thể chế chính sách xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn dành mối quan tâm mang tính chiến lược đến việc giải quyết các vấn đề xã hội. Cùng với thực tiễn sinh động của quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước, mục tiêu và nội dung của chính sách xã hội đã có những bước tiến mạnh mẽ, được thể hiện cô đọng, sâu sắc trong các văn kiện của Đảng, Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, được sửa đổi, bổ sung năm 2011.

Với quan điểm “Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân,” Đảng đã xác định mục tiêu của chính sách xã hội “Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hoà đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất”.

Nêu rõ đích đến của mọi chính sách xã hội đều nhằm xây dựng và phát triển con người, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và hướng tới phát triển bền vững, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá bám sát định hướng đó, từ Quốc hội khóa VIII (1987-1991) đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực xã hội đã từng bước hình thành, vận động tích cực, chính sách đó không ngừng được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: bằng tâm huyết, trách nhiệm và những nỗ lực không ngừng, bằng cách làm dân chủ, cầu thị và tư duy phản biện, các thế hệ thành viên Ủy ban có quyền tự hào về những dấu ấn đã để lại trong mỗi chính sách và trong mỗi giai đoạn phát triển của từng chính sách xã hội, từ đó định hình lên truyền thống, phong cách, thương hiệu rất riêng của Ủy ban về các vấn đề xã hội.

Với sự năng động, sáng tạo, phát huy trí tuệ tập thể và không ngừng đổi mới, Ủy ban đã đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, mở rộng dân chủ hoạt động của Quốc hội và để lại những tình cảm thắm thiết của cử tri với Ủy ban. Là một trong hai Ủy ban của Quốc hội trình sáng kiến pháp luật và chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội thông qua dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình; đi tiên phong trong các hoạt động tham vấn công chúng, tổ chức các phiên giải trình, các hoạt động về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn của Ủy ban…

Trên chặng đường từ Ủy ban Y tế và Xã hội đến Ủy ban về các vấn đề xã hội hôm nay, phạm vi phụ trách và chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban ngày càng được mở rộng. Hoạt động của Ủy ban được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và cử tri ghi nhận, đánh giá cao của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực và thành tích mà tập thể Ủy ban về các vấn đề xã hội qua các nhiệm kỳ đã xây đắp, vun trồng trong suốt 40 năm qua và tin tưởng rằng, bằng sự trân trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống quý báu, Ủy ban về các vấn đề xã hội khóa XIV và các nhiệm kỳ tiếp theo sẽ nối dài những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp thúc đẩy các giá trị công bằng và tiến bộ xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Hội thảo "Ủy ban về các vấn đề xã hội với chính sách, pháp luật thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội"  là diễn đàn để các đại biểu, bằng kiến thức, trải nghiệm của mình, thảo luận về đóng góp của Ủy ban về các vấn đề xã hội trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật qua 40 năm thành lập và phát triển cũng như định hướng các chính sách xã hội nói chung và một số chính sách xã hội trong thời gian tới nhằm mục tiêu thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội.

Trong phiên làm việc đầu tiên, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá quá trình phát triển của Ủy ban, những kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Ủy ban 40 năm qua cần phải kế thừa, phát huy, những vấn đề cần tiếp tục đổi mới để thực hiện các chức năng thẩm tra, giám sát, kiến nghị; kinh nghiệm, bài học về sự tạo sự gắn kết mật thiết giữa Ủy ban về các vấn đề xã hội với các bộ, ngành, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương, với chuyên gia, nhà nghiên cứu...

Tại phiên thứ hai, các đại biểu tập trung thảo luận chính sách, pháp luật và lao động, giảm nghèo, trong đó tập trung về những đổi mới và định hướng chính sách giảm nghèo trong thời gian tới; pháp luật về lao động, công đoàn đáp ứng nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cam kết trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương...

Hội thảo dự kiến sẽ diễn ra hết ngày 27-6.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm