Sáng 22-4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018, xem xét kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến. |
196 nội dung đề xuất giám sát với 8 nhóm vấn đề
Xuất phát từ tình hình, đặc điểm năm 2018 và nhiệm vụ của Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã dự kiến chương trình giám sát năm 2018 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; thảo luận các báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước...
Bên cạnh đó, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát các chuyên đề.
Theo Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, ngày 19-1, Tổng thư ký Quốc hội có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các ban, viện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất những nội dung đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018.
Tính đến ngày 3/4, trong tổng số 77 cơ quan cần xin ý kiến, Tổng thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 64 cơ quan với 196 nội dung kiến nghị. Kết quả tổng hợp cho thấy nổi lên 8 nhóm nội dung về pháp luật; hoạt động tư pháp; kinh tế; tài chính-ngân sách; xã hội, dân tộc; văn hóa, giáo dục, thông tin, truyền thông, thể thao, du lịch; khoa học, công nghệ, tài nguyên, môi trường, công trình quan trọng quốc gia và nhóm nội dung về quốc phòng-an ninh, đối ngoại, dân nguyện.
Từ 196 nội dung đề xuất của các cơ quan với 8 nhóm vấn đề này; trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn; tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan và xem xét tình hình thực tế, Tổng thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung cụ thể.
Nội dung đầu tiên là việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả thua lỗ.
Nội dung thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội.
Nội dung thứ ba là việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư.
Nội dung thứ tư là việc thực hiện Luật Thủ đô.
Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng cũng được đề xuất vào trong Chương trình giám sát năm 2018 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề
Trong 6 nội dung chuyên đề giám sát được dự kiến, nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên giám sát việc thực hiện Luật Thủ đô. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lý giải Luật này chỉ liên quan đến một địa phương, cụ thể là Hà Nội, không đến mức phải tiến hành giám sát tối cao.
Vả lại, có giám sát việc thực hiện Luật Thủ đô cũng không giải quyết được những bức xúc hiện nay của Hà Nội. Giám sát như vậy sẽ khó cho Ủy ban Pháp luật bởi Ủy ban này muốn tập trung vào giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định chi tiết trên một số lĩnh vực, hệ thống hóa hệ thống pháp luật hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng Quốc hội cần giám sát bốn nội dung. Thứ nhất là việc thực hiện chính sách pháp luật về sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bởi thời gian qua, việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã gây những bức xúc trong dư luận, từ việc tính giá trị đất, giá trị doanh nghiệp, chuyển từ nhà nước sang tư nhân... Thứ hai là thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn, trái phiếu chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cần có giám sát tối cao về vốn ODA.
Cho biết đã phát biểu trước Quốc hội nhiều lần về việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên, trật tự an toàn giao thông vẫn là vấn đề bức xúc, mỗi năm khoảng 8-9.000 người vì tai nạn giao thông chết tại chỗ, bà Nga đề nghị cần giám sát tối cao về vấn đề này.
Bà Nga cũng đề nghị giám sát thêm việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực đối với trẻ em bởi đây là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội, đa số các gia đình có trẻ em đều lo lắng, nhất là tình trạng bạo lực tình dục đối với trẻ em cũng báo động.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị tập trung vào nhóm xã hội, còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát việc phòng chống bạo lực đối với trẻ em và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Số liệu được Chủ tịch Quốc hội đưa ra liên quan đến bạo lực đối với trẻ em là rất đáng quan ngại.
"Có báo cáo rất đáng ngại về kết quả phòng, chống xâm phạm tình dục trẻ em, chưa nói vấn đề xâm phạm khác. 1.717 vụ trong năm 2015, năm 2016 là 1.641 vụ, quý 1 năm 2017 là 375 vụ, đó là phát hiện, chưa nói đến các vụ chưa phát hiện”-Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý Quốc hội giám sát chuyên đề nợ công, nợ nước ngoài, an toàn tài chính quốc gia và chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Các chuyên đề khác, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc để ở tầm Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị giám sát những vấn đề xã hội đang bức xúc hiện nay, trong đó đề nghị giám sát chủ trương mới, nghị quyết mới ban hành đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Dẫn chứng xung quanh việc giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đất đai, các dự án đất có quy hoạch đã được giám sát, kiến nghị nhưng việc thực hiện các kiến nghị như thế nào chưa rõ, Phó Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội quan tâm giám sát về vấn đề này trong thời gian tới. Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị giám sát việc phòng-chống bạo lực đối với trẻ em.
Theo TTXVN