(GLO)- Chiều 5-12, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và Phát triển bền vững” tiếp tục phiên làm việc với nhiều nội dung quan trọng.
Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đã thảo luận, gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và hàm ý chính sách với Việt Nam… Theo các đại biểu, khủng hoảng kinh tế-xã hội lần này xuất phát từ dịch Covid-19, để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ. Trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội cũng như hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong phiên tọa đàm cấp cao vào buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận đề ra những giải pháp thiết thực nhằm giúp Việt Nam sớm khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Theo các chuyên gia, quan điểm và mục tiêu của chính sách phải hỗ trợ cả tổng cung, tổng cầu và thực hiện đa mục tiêu, có sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác. Bên cạnh đó, các chính sách được ban hành cũng cần bảo đảm bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước; có quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài; có trọng tâm, trọng điểm; khả thi và triển khai nhanh. Trong đó, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu bắt buộc và rất quan trọng…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn tham gia diễn đàn từ điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn |
Phát biểu kết luận diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, Nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước. Sau diễn đàn, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu và thiết kế chính sách để duy trì động lực tăng trưởng. Qua đó, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững nền kinh tế hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số…
QUANG TẤN