Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành: Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 2-11, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành chủ trì hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 10 và triển khai nhiệm vụ tháng 11-2020. Dự hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Dung

Đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội

Theo báo cáo của UBND tỉnh, mặc dù chịu nhiều tác động do thiên tai, dịch bệnh, song trong 10 tháng qua, Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị và nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách phòng-chống dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội.


Theo đó, kết thúc vụ mùa 2020, toàn tỉnh gieo trồng được gần 220 ngàn ha cây trồng các loại (đạt 105% kế hoạch, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2019). Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) tháng 10 ước thực hiện 2.177 tỷ đồng, tính chung 10 tháng đạt 17.365 tỷ đồng (bằng 75,77% kế hoạch, tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2019); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tính chung 10 tháng đạt 57.207 tỷ đồng (bằng 76,27% kế hoạch, tăng 2,16% so cùng kỳ năm 2019); kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 55 triệu USD, tính chung 10 tháng đạt 455 triệu USD (bằng 72,22% kế hoạch, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2019). Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trái cây... sang thị trường châu Âu.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Ảnh: Đức Thụy


Tuy nhiên, trong 10 tháng qua, có một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đạt thấp so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có thu ngân sách nhà nước. Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-nêu rõ: Thu ngân sách trên địa bàn tính chung 10 tháng đạt hơn 3.479 tỷ đồng (bằng 76,13% dự toán Trung ương giao, bằng 66,91% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 6,89% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 56,99% dự toán HĐND tỉnh giao; thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 89,27%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 60,56%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 83,8%; thu tiền sử dụng đất đạt 62,11%...

“Chỉ còn ít thời gian của năm 2020, Sở Tài chính sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước một cách chủ động, tích cực; thực hiện các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh công tác thu ngân sách. Đối với một số đơn vị thu ngân sách chưa đạt cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để thực hiện nhiệm vụ”-Giám đốc Sở Tài chính cho biết.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh tiếp tục đôn đốc các địa phương hoàn tất thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn để sớm hoàn thành các dự án theo quy định; hoàn thiện báo cáo thẩm tra hồ sơ và kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của thị xã Ayun Pa; thẩm định hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã Ia Blang (huyện Chư Sê) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2019. Tỉnh cũng điều chỉnh, bổ sung một số dự án trong Danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, tỉnh đang triển khai đánh giá 68 sản phẩm OCOP của 9 huyện, thị xã.

Ngoài ra, 10 tháng qua, các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, thông tin-truyền thông, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

Khắc phục khó khăn sau bão lũ

Trong tháng 10, cơn bão số 9 đã gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-thông tin: Tại Gia Lai, theo thống kê sơ bộ, mưa bão đã làm 1 người chết, 1 người bị thương; 765 nhà dân bị hư hỏng, tốc mái, ngập nước. Ngoài ra có hơn 3.290 ha cây trồng bị ngã đổ, giảm năng suất; một số đoạn kênh mương thủy lợi, tuyến đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở; gần 100 công trình phụ trợ ngành Giáo dục, Văn hóa, Y tế bị tốc mái; 669 cây xanh bị ngã đổ...

Lực lượng Công an, đoàn viên, thanh niên giúp người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) lợp lại mái nhà sao bão số 9. Ảnh: Ngọc Minh



Ngoài ra, từ cuối tháng 3 đến nay, mưa, dông, lốc, sét… trên địa bàn tỉnh đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 2 người bị thương; 751 căn nhà, phòng học bị hư hỏng, 56 cột điện bị gãy đổ và trên 2.227 ha cây trồng bị thiệt hại. Đặc biệt, một số tuyến đường giao thông bị sạt lở, làm hư hỏng vật dụng của một số hộ dân, ước thiệt hại khoảng 31,6 tỷ đồng.

Để giúp người dân khắc phục thiệt hại do bão lũ, từng bước ổn định cuộc sống, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các ngành, địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện giúp người dân sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ phát triển sản xuất. Chủ động triển khai các giải pháp phòng-chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, các biện pháp ứng phó bão lũ; tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi. Cùng với đó, chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các biện pháp để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản do bão lũ, trước mắt là cơn bão số 10 đang tiến vào đất liền và dự kiến đổ bộ trong một vài ngày tới.

“Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại khi cơn bão số 10 sắp tới, các thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phụ trách địa bàn nào thì phải tới địa bàn đó để chỉ đạo. Đặc biệt, các nhà máy thủy điện phải được vận hành an toàn, trơn tru, không để xảy ra sự cố”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành đã tập trung thảo luận về những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đối ngoại. Từ đó, đề ra các giải pháp để khắc phục khó khăn, thực hiện đạt kết quả trong những tháng còn lại của năm 2020.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành, tính đến ngày 29-10, khối lượng thực hiện các công trình xây dựng cơ bản đạt gần 2.478 tỷ đồng (bằng 68,4% kế hoạch); giải ngân đạt 2.473 tỷ đồng (bằng 68,3% kế hoạch). Tính riêng tháng 10, tỉnh đã cấp đăng ký thành lập mới cho 110 doanh nghiệp và 45 chi nhánh. Trong 2 tháng còn lại của năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, thực hiện các dự án; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tạo mọi điều kiện để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Trần Dung


Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, song vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, nhất là người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Dự lường những khó khăn khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhanh chóng thực hiện giải pháp cụ thể để vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án lớn có sức lan tỏa; đôn đốc các nhà đầu tư triển khai dự án đúng quy định. Thực hiện đúng quy định đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh...

“Thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều dự án đầu tư nên các ngành phải chuẩn bị tốt nhiệm vụ của mình, không để bị động. Chúng ta phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Người đứng đầu các ngành phải thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước công việc được giao và phải có sự phối hợp tốt với các ngành liên quan để cùng thực hiện”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu.

Song song với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; thu ngân sách; phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng; xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới và chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ để triển khai thực hiện sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc để thu hút đầu tư đạt kết quả cao nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành khẩn trương xây dựng kế hoạch, các nội dung cụ thể để trình tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới, đặc biệt là kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính năm 2021 và các kế hoạch về sử dụng đất.

TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm