Chính trị

Quốc phòng - An ninh

30 năm vững chắc tay súng bảo vệ biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 30 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch (xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) không chỉ vững chắc tay súng bảo vệ phên giậu của tổ quốc mà còn góp sức không nhỏ trong sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.

ĂN CÁ KHÔ, UỐNG NƯỚC SÔNG GÁC BIÊN CƯƠNG

Cầm trên tay tấm thiệp mời dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đồn Biên phòng Ia Púch (25/11/1994-25/11/2024), ký ức về một thời kỳ làm việc tại đơn vị bỗng ùa về trong tâm trí của Thượng tá Trần Minh Chính-nguyên Chính trị viên Đồn Ia Púch. Thượng tá Chính kể: 4 năm sau khi Đồn Biên phòng Ia Púch được thành lập, ông được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh điều động về giữ chức Đồn phó Chính trị (nay là Chính trị viên Đồn). Trụ sở Đồn cô lẻ giữa mênh mông cây rừng. Hàng rào thép gai bao quanh những ngôi nhà tạm bợ là nơi làm việc, ở của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Vào mùa khô, ánh nắng chói chang ở vùng biên giới làm cây cối héo quắt lá, khô đất và đen sạm da người. Đến mùa mưa, đất đai nhão nhoẹt, nước đọng thành nhiều vũng quanh trụ sở đơn vị. “Không đào giếng được bởi đá bàn trong lòng đất rất nhiều, chúng tôi phải dùng nước sông Ia Đrăng để nấu nướng, tắm giặt. Mà nước sông đục ngầu nên phải dùng hóa chất để lắng lọc rồi mới sử dụng được. Thức ăn chủ yếu là do anh em trong đơn vị tăng gia. Lâu lâu mới có nguồn thực phẩm tươi sống do người dân chở vào bán cho Đồn. Có nhiều bận, anh em trong đơn vị ăn toàn cá khô với rau xanh tự trồng. Tôi thường phải đi bộ 1 ngày từ đơn vị ra trung tâm huyện Chư Prông rồi mới bắt xe đò về Bộ chỉ huy họp. Hồi đó, chúng tôi vừa xây dựng đơn vị, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới và chống FULRO. Tinh thần luôn luôn cảnh giác cao độ. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện công tác dân vận giúp dân. Ở trên địa bàn đứng chân có 1 ngôi làng toàn người mắc bệnh phong khiến cơ thể bị lở loét, khuyết tật. Dân trong vùng xa lánh, chẳng mấy người dám đến. Vậy mà anh em trong đơn vị thường xuống hỗ trợ khám, chữa bệnh, cho thuốc uống và dựng nhà cửa, làm hàng rào quanh nhà cho dân làng này. Chúng tôi còn hướng dẫn họ trồng trọt để có nguồn thực phẩm phục vụ cuộc sống, tránh đói lúc giáp hạt”-ông Chính nhắc nhớ.

tuan-tra-bao-ve-bien-gioi.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ia Púch tuần tra đường biên giới. Ảnh: T.D

Cũng theo ông Chính, thời kỳ đó, dù còn nhiều khó khăn, địa hình trắc trở nhưng cán bộ, chiến sĩ phải đùm cơm đi tuần tra và làm công tác đối ngoại với lực lượng biên phòng nước bạn ở bên kia đường biên. “Chúng tôi phải trèo đèo lội suối, mắc võng ngủ ở rừng khi đi tuần tra đường biên. Địa hình đồi núi dốc và cây rừng chằng chịt, anh em phải đi bộ cả ngày trời mới đến khu vực đường biên xa nhất, tiếp giáp với nước bạn để tuần tra. Không ít cán bộ chiến sĩ đi tuần về ngã bệnh do mắc sốt rét. Muỗi ở trong rừng nhiều quá. Mặt khác, dịp lễ quan trọng, chúng tôi cũng phân công lực lượng qua thăm, chúc mừng các lực lượng biên phòng của Campuchia. Qua đó, trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ 2 nước"-ông Chính kể thêm.

can-bo-chien-si-don-bien-phong-ia-puch-huan-luyen-san-sang-chien-dau.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: T.D

Từng đi lính nghĩa vụ và hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Ia Púch với chức vụ Chính trị viên phó, Thiếu tá Rơ Ô Thuy hồi tưởng: “Năm 2000, mình là lính nghĩa vụ ở Đồn này. Hằng ngày, ngoài công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi còn tham gia trồng rau xanh, tăng gia. Mà đất rừng khộp vào mùa khô thì khô và cứng như ngói, phải chăm chút lắm mới có rau xanh để ăn. Còn phải thay phiên nhau ra tưới nước để tăng độ ẩm cho cây con mới trồng. Tắm giặt toàn ra sông, suối. Còn nước để uống và nấu ăn phải bơm từ sông lên rồi thả phèn chua vào cho lắng lọc lại mới dùng được. Mùa mưa, nước sông dâng lên chia cắt Đồn với bên ngoài. Có lần mình phải bơi vượt sông để về Bộ chỉ huy nhận nhiệm vụ mới. Bơi trong dòng nước sông cuồn cuộn chảy, lên đến bờ, cơ thể rã rời. Nhưng phải vội lên đường vì thời đó quanh đây thi thoảng có hổ, voi kéo về kiếm thức ăn”.

VỮNG BƯỚC ĐI LÊN

Từ sự đồng lòng của cán bộ, chiến sỹ qua các thời kỳ, trải qua 30 năm, Đồn Biên phòng Ia Púch gặt hái được nhiều thành tích nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giúp phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân. Đơn vị đã tiến hành xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống doanh trại, hầm hào công sự, đường bê tông nội bộ, tạo cảnh quan môi trường và doanh trại sáng-xanh-sạch-đẹp. Cùng với đó, đơn vị đã tiến hành quy hoạch vườn, ao, chuồng, bảo đảm 100% rau xanh, 40% cá thịt, duy trì đàn gia súc, gia cầm trên 500 con, 2 ao cá cho hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động tăng gia sản xuất hàng năm đạt trên 150 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Từ năm 2022 đến nay, Đảng bộ Đồn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trong năm, không có đảng viên vi phạm kỷ luật. “Trong năm 2024, Đồn Biên phòng Ia Púch đã phối hợp với lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện, bắt giữ 1 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 0,5821 g heroin. Đơn vị cũng tổ chức tuần tra 53 đợt tại đường biên và địa bàn đứng chân. Chúng tôi cũng kịp thời phát hiện, ngăn chặn 1 vụ người dân có ý định vượt biên. Cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị yên tâm công tác, chấp hành kỷ luật và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”-Thiếu tá Bùi Quang Tú-Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Púch cho hay.

don-bien-phong-ia-puch-giup-dan-trong-lua-nuoc.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch giúp dân làm lúa nước. Ảnh: T.D

Đồn Biên phòng Ia Púch cũng chú trọng đến củng cố thế trận lòng dân trên địa bàn đứng chân. Cán bộ, chiến sĩ Đồn đã hỗ trợ nhiều hộ dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo từ các mô hình trồng cây ăn quả, lúa. Điển hình như việc hướng dẫn gia đình chị Phạm Thị Mừng (trú tại làng Bỉ, xã Ia Púch) triển khai mô hình đa canh. Năm 2024, mô hình đa canh trồng bưởi da xanh, chôm chôm, mít Thái giúp gia đình chị Mừng có nguồn thu nhập thêm hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Ia Púch cũng duy trì thực hiện có hiệu quả mô hình, chương trình, phong trào như “Mái ấm biên cương”, “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em đến trường, con nuôi đồn biên phòng”, “Dự án cán bộ chiến sĩ nâng bước em tới trường” ở tại xã Ia Púch. Bí thư Chi bộ kiêm thôn trưởng làng Brang (xã Ia Púch) Nguyễn Trọng Đào chia sẻ: “Thông qua sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Ia Púch, địa bàn xã có những bước khởi sắc về kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí. Đơn cử như việc cán bộ, chiến sĩ Đồn hỗ trợ kinh phí cho học sinh nghèo và mở lớp dạy thêm để giúp các cháu người dân tộc thiểu số học hành tốt hơn. Cán bộ và chiến sĩ của Đồn cũng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân qua các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật”.

Theo Trung tá Phan Công Thắng-Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Púch: 30 năm qua, Đồn Biên phòng Ia Púch vinh dự, tự hào được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai tặng 1 bằng khen, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng 6 bằng khen, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tặng 8 bằng khen, 4 danh hiệu đơn vị quyết thắng. “Cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch tự hào với truyền thống, những chiến công, thành tích đã đạt trong 30 năm qua. Chúng tôi cũng nỗ lực khắc phục khó khăn lập thêm nhiều chiến công mới, góp phần tô thắm những trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của lực lượng bộ đội biên phòng Việt Nam nói chung, đơn vị nói riêng. Đặc biệt là thắt chặt hơn nữa nghĩa tình quân dân trên địa bàn đứng chân để cùng chung tay thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”-Trung tá Thắng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm