Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành: Triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-5, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết công tác tháng 5 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cùng các Phó Chủ tịch: Huỳnh Nữ Thu Hà, Nguyễn Đức Hoàng, Đỗ Tiến Đông chủ trì hội nghị.



Tìm giải pháp khôi phục kinh tế

Theo báo báo của UBND tỉnh, những tháng đầu năm, hạn hán, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Theo đó, thu ngân sách trên địa bàn tháng 5 ước đạt gần 228 tỷ đồng, tính chung 5 tháng đầu năm đạt hơn 1.728 tỷ đồng, bằng 37,81% dự toán Trung ương giao, bằng 33,23% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 50 triệu USD, tính chung 5 tháng đạt 195 triệu USD, bằng 30,95% kế hoạch, giảm 11,36% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch trong 5 tháng đầu năm ước đạt 338.000 lượt (giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019), doanh thu du lịch ước đạt 175 tỷ đồng (giảm 20%).… Đặc biệt, nắng hạn kéo dài đã làm 3.038,87 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó, hơn 1.250 ha thiệt hại trên 70%, gần 1.618 ha thiệt hại 30-70%, gần 171 ha thiệt hại dưới 30%.

 Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Q.T
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Q.T



Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tập trung thảo luận, chỉ ra những vướng mắc, tồn tại cũng như đề xuất các biện pháp để khôi phục sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-cho hay: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình thu ngân sách trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhất là các tháng 4, 5. Hiện tiến độ thu ngân sách đạt thấp so với kế hoạch là 441 tỷ. Trong đó, các khoản thu đạt thấp so với nghị quyết của HĐND tỉnh như: thu từ doanh nghiệp trung ương mới đạt 27%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 30,6%; thu tiền sử dụng đất đạt 31,9%... Vì vậy, để tăng thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới, các ngành và địa phương cần triển khai các biện pháp cụ thể, thiết thực. “Sở sẽ phối hợp với Cục Thuế tăng cường giám sát hồ sơ kê khai thuế, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nộp thuế, bám sát các khoản thuế phát sinh để khai thác có hiệu quả nguồn thu; triển khai đồng bộ các giải pháp, kể cả biện pháp cưỡng chế để thu hồi các khoản nợ thuế theo đúng quy định. Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị khai thác có hiệu quả các nguồn thu, đặc biệt là đối với 7 huyện, thị xã có mức thu thấp; nhanh chóng thu tiền sử dụng đất sau đấu giá, cụ thể như huyện Chư Sê hiện nay còn gần 60 tỷ đồng đã tổ chức đấu giá trong năm 2109 nhưng chưa thu được. Đồng thời, ngành Thuế cần tập trung thu nợ của các doanh nghiệp. Hiện nợ khó thu trên địa bàn tỉnh là 673 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 106 tỷ đồng, nợ thông thường là 426 tỷ đồng. Nếu thu hồi các khoản nợ này thì sẽ đóng góp đáng kể vào thu ngân sách của tỉnh”-ông Dũng thông tin.

Để kích cầu tiêu dùng, khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Sắp tới, Sở sẽ làm việc với các siêu thị, trung tâm mua sắm để triển khai các chương trình kích cầu; tổ chức khoảng 15 hội nghị kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn… Ngoài ra, Sở đang rà soát hệ thống cửa hàng xăng dầu, làm việc với các tổng đại lý cung cấp xăng dầu trên địa bàn để thu thuế bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong tháng 6, Sở sẽ chủ trì tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về hoạt động xuất nhập khẩu nhằm động viên các doanh nghiệp ở Gia Lai nên kê khai tại Gia Lai để tỉnh có doanh thu xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án điện năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng cũng như thương mại phát triển”.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn xây dựng cơ bản, nâng cao giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thu hút đầu tư, kích cầu du lịch nội địa… Qua đó, từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển bền vững.

Tập trung thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cho rằng: Trong 5 tháng đầu năm, mặc dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 song một số chỉ tiêu trên lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn đạt kết quả khả quan. Tiêu biểu là giá trị sản xuất công nghiệp-thương mại, tổng nguồn vốn huy động tăng so với cùng kỳ năm 2019; doanh nghiệp thành lập mới tăng; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số cải cách hành chính được cải thiện đáng kể… Tuy nhiên, tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, các ngành, địa phương, nhất là những ngành chủ lực có đóng góp lớn cho các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh cần xây dựng và tổ chức thực hiện từng nội dung trong kịch bản phục hồi kinh tế sau dịch. Đồng thời, các ngành, địa phương tổ chức sơ kết, đánh giá từng nội dung đã triển khai thực hiện và đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền nhằm tháo gỡ vướng mắc để đạt được kết quả tốt nhất.

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19. Ảnh: ĐỨC THỤY
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19. Ảnh: ĐỨC THỤY



Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo chu kỳ 5 năm. Do đó, các ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19. Theo đó, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư cần tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn xây dựng cơ bản; rà soát các công trình chưa triển khai thì điều chuyển vốn cho các công trình khác. Với tinh thần giải ngân hết và không để chuyển nguồn sang năm sau, Sở Tài chính cần tham gia giám sát, kiểm tra vấn đề này và mạnh tay xử lý những công trình chậm trễ kéo dài.

Để phát huy các thế mạnh trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu ngành nông nghiệp cần tập trung rà soát việc tái cơ cấu ngành; đẩy mạnh triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao; thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, gắn nông nghiệp với chế biến. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả heo châu Phi. Tiếp tục quan tâm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã.

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Quang Tấn



Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án điện năng lượng tái tạo nhằm tạo cú hích cho phát triển kinh tế-xã hội, thu ngân sách của tỉnh; chuẩn bị các điều kiện để tiếp tục thu hút đầu tư vào các khu/cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định các chương trình hỗ trợ cho những nhóm đối tượng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhằm giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Với phương châm “Không bỏ sót, không cấp sai, không cấp trùng, không cưỡng ép”, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cần chỉ đạo tổ chức giám sát từ cấp huyện đến khu dân cư. Theo đó, phải tiến hành cấp phát tiền hỗ trợ cho đối tượng người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trong thời gian từ nay đến tháng 6. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện có hiệu quả gói kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch vì nếu để doanh nghiệp giải thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về thu ngân sách, thất nghiệp... Ngoài ra, ngành Thuế cần rà soát các đối tượng được giảm thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng các chính sách để có cơ hội phục hồi và phát triển.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính một cách thực chất, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chuẩn bị tốt các nội dung để phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. Cùng với đó, cần có những biện pháp căn cơ, hữu hiệu để kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số, nạn tự tử, đuối nước; chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT; có biện pháp kiểm tra, xử lý cây xanh trên đường phố, khu dân cư, trường học… nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, không để sự cố đáng tiếc xảy ra.

 QUANG TẤN



 

Có thể bạn quan tâm