Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn |
Tiến độ giải ngân còn chậm
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Công Thành cho biết: Tính đến ngày 20-11, tổng kế hoạch vốn đã giao trên 5.278,5 tỷ đồng (kế hoạch vốn phân bổ năm 2023 hơn 4.502,2 tỷ đồng; kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 hơn 776,3 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách địa phương được giao trên 2.222,5 tỷ đồng; ngân sách Trung ương được giao gần 2.238,7 tỷ đồng; vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023 đã giao hơn 776,3 tỷ đồng.
Dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như thành lập 3 tổ công tác kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bản tỉnh ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, tính đến ngày 20-11, tổng giá trị giải ngân gần 1.972 tỷ đồng, đạt 37,36% kế hoạch vốn đã giao; ước giải ngân kế hoạch vốn đến 31-1-2024 đạt 82,6% so với kế hoạch. Trong đó, các chủ đầu tư được giao vốn nhiều nhưng tỷ lệ giải ngân thấp như Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh mới đạt 27,8%; Sở Nông nghiệp và PTNT đạt 19,8%; Sở Kế hoạch và Đầu tư đạt 17,7%; Sở Tài nguyên và Môi Trường chưa có tỷ lệ giải ngân; các địa phương như Chư Sê, Chư Prông, Đak Đoa, Ia Pa, Mang Yang, Phú Thiện… chỉ giải ngân được trên dưới 40% kế hoạch vốn.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn |
Nguyên nhân giải ngân chậm được Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra như vướng quy định của Luật phòng cháy, chữa cháy; vấn đề giấy phép môi trường mất nhiều thời gian. Ngoài ra, các đơn vị chức năng triển khai công tác đơn giá đất chậm, làm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chậm phê duyệt phương án đền bù, không triển khai được công tác đền bù nên kéo dài thời gian thi công và giải ngân dự án như: đường hành lang kinh tế phía Đông (đường tránh Đông qua quốc lộ 19), đường Nguyễn Chí Thanh, đường Nguyễn Văn Linh, đường nội thị thị xã Ayun Pa, đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông, đường nội thị huyện Phú Thiện… Việc hụt thu nguồn vốn thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất năm 2022 và 2023 làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn vốn để thanh toán (dự kiến khoảng 318 tỷ đồng tiền sử dụng đất tỉnh đầu tư không giải ngân được và chi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 180 tỷ đồng). Cùng với đó, mặc dù UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xem xét các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn đất đắp cho các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của một số dự án.
Theo ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, thành phố tổ chức họp giao ban xây dựng cơ bản mỗi tháng 2 lần để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan. Đối với các dự án trọng điểm, thành phố đã thành lập các ban chỉ đạo để kịp thời nắm và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án. Điển hình như dự án đường Nguyễn Văn Linh, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phòng mặt bằng, trong đó, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Tuy nhiên, dự án này hiện nay tiến độ triển khai tương đối chậm, nguyên nhân chính là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn.
Thành phố cũng đã có báo cáo đề xuất UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ về tái định cư trên địa bàn tỉnh khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án để công tác tuyên truyền, vận động thuận lợi hơn. Thành phố cũng đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy hoạch phân khu suối Hội Phú để làm cơ sở lập dự án đầu tư kè chống sạt lở suối Hội Phú cũng như triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm triển khai dự án. Đồng thời, thành phố cũng đề xuất UBND tỉnh sớm bố trí vốn từ nguồn thu tiền sử dụng đất của tỉnh để triển khai các dự án đường Lý Thường Kiệt, Lê Thành Tôn, nhất là đường Lê Đại Hành hiện đang còn nợ đọng.
Ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng nêu một số giải pháp tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quang Tấn |
Còn ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh thì cho biết: Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đường tránh Đông đoạn qua địa bàn huyện còn gặp vướng mắc cần được tháo gỡ. Đề nghị UBND tỉnh sớm có hướng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất để huyện có cơ sở triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đối với các vị trí không vướng quy hoạch sử dụng đất, huyện đang tập trung giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị chủ đầu tư triển khai thi công.
Đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án đường liên huyện Chư Pưh-Chư Sê-Chư Prông đoạn qua địa bàn huyện Chư Pưh, ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Đến nay, cơ bản công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của địa phương đã xong, chỉ còn vướng đoạn khoảng 21 m của 1 hộ dân. Tuy nhiên, hộ dân này đã rời khỏi địa bàn 5 tháng nay, huyện đã thành lập tổ công tác vào TP. Hồ Chí Minh để làm việc với hộ này.
Lãnh đạo các địa phương ở các điểm cầu trực tuyến đã nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Ảnh: Quang Tấn |
Bên cạnh đó, các địa phương, các dự án đầu tư xây dựng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư cũng đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đất san lấp. Ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh-thông tin: Đối với các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, hiện Ban đã triển khai toàn bộ 4 dự án và dự kiến sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đối với dự án đường tránh Đông, Ban đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, những vị trí nào thuận lợi thì bàn giao trước để đơn vị triển khai thi công nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân.
Tập trung tháo gỡ những vướng mắc
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của TP. Pleiku trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đường Nguyễn Văn Linh, ông Phạm Minh Trung-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường-cho rằng: Theo quy định việc Ban hành quy định bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Sau hội nghị này, chúng tôi sẽ làm việc riêng với TP. Pleiku để xác định từng trường hợp cụ thể để tính toán, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết. Về đất san lấp, Sở đã có hướng dẫn cho UBND cấp huyện phối hợp hướng dẫn đơn vị thi công các dự án đầu tư xây dựng tận dụng đất dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp của người dân. Qua theo dõi, các địa phương như thị xã An Khê, huyện Krông Pa thực hiện rất tốt, đề nghị các huyện trao đổi với các địa phương trên để triển khai thực hiện trên cơ sở tận dụng nguồn đất dôi dư trong quá trình cải tạo đất nông nghiệp và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung nêu giải pháp tháo gỡ vướng mắc về nguồn đất đắp. Ảnh: Quang Tấn |
“Đối với Dự án đường tránh Đông qua địa bàn Đak Đoa, Chư Păh và TP. Pleiku, chúng tôi thống nhất với giải pháp bàn giao mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu, để chủ đầu tư triển khai thi công, đảm bảo tiến độ. Đối với đoạn qua huyện Chư Păh, đề nghị đoạn nào không vướng thì huyện đẩy nhanh đền bù, giải phóng mặt bằng và bàn giao sớm cho đơn vị thi công; đối với các vị trí vướng về quy hoạch sử dụng đất thì sau khi quy hoạch tỉnh được thông qua thì Sở sẽ phối hợp cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp. Còn dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông còn vướng 1 hộ dân do không còn ở tại địa phương, trường hợp huyện không liên hệ được hộ dân này thì đề nghị huyện xây dựng phương án niêm yết công khai, làm việc với thôn, làng, các hộ dân xung quanh để xác nhận. Sau đó, trên cơ sở phương án niêm yết công khai, chúng ta trích ngân sách gửi tiền đền bù vào tài khoản tạm giữ để lấy mặt bằng bàn giao cho Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh triển khai kịp tiến độ”.
Nói về công tác thẩm định các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn, ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng-đề nghị: Các địa phương, các chủ đầu tư cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào khi tiến hành lập hồ sơ dự án (chưa đối chiếu theo quy hoạch, quy mô, tổng mức đầu tư…) nhằm hạn chế tình trạng trả hồ sơ, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần; rồi các bước thẩm định tiếp theo, các địa phương, chủ đầu tư cũng chậm trình dẫn đến mất nhiều thời gian. Để đẩy nhanh các dự án thuộc chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế vùng khó khăn, đề nghị Sở Y tế sớm hoàn thành thủ tục về môi trường để Sở có cơ sở làm công tác thẩm định theo quy định. Đối với việc thực hiện các dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư thuộc Dự án 2, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do chưa có quy hoạch chi tiết, Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị: “Theo quy định mới, các địa phương có thể lấy quy hoạch xã để lập dự án đầu tư và tiến hành song song lập quy hoạch chi tiết. Sở đã có hướng dẫn, mong các địa phương sớm triển khai thực hiện tránh trường hợp phải trả nguồn vốn tương đối lớn này về Trung ương”.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Công Thành báo cáo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quang Tấn |
Liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 2 dự án đường tránh Đông và đường Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đề nghị: TP. Pleiku và các huyện Chư Păh, Đak Đoa tranh thủ hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường để đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Đối với các tuyến tỉnh lộ, đường liên huyện đang còn vướng mặt bằng như huyện Ia Grai, Chư Pưh, các địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm, bàn giao để đơn vị thi công hoàn thành trong năm 2023, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cho rằng: Qua cuộc họp này, đề nghị các sở, ngành, địa phương đôn đốc chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, cố gắng hoàn thành theo đúng kế hoạch. Đối với các dự án đang thi công, các chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ hoàn thành, giải ngân vốn dự án.
Ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh nêu các khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đất san lấp... Ảnh: Quang Tấn |
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Đối với các dự án mà chúng ta buộc phải thực hiện xong trong năm 2023 thì đề nghị các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tập trung, xử lý dứt điểm để tránh mất vốn. Đối với các dự án năm 2023 có thể kéo dài thì đề nghị các địa phương, sở ngành tổng hợp để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ để xin kéo dài sang năm 2024. Các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần nâng cao trách nhiệm, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình nhằm đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt cao nhất vào cuối năm 2023”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long cũng chia sẻ với những khó khăn của TP. Pleiku trong vấn đề đất san lấp do nhu cầu cải tạo đất nông nghiệp của người dân hầu như không có. Do đó, đề nghị thành phố có thể liên hệ với các địa phương lân cận để giải quyết trước mặt nhu cầu đất san lấp phục vụ cho các công trình xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sớm ban hành đơn giá đất cụ thể, làm cơ sở triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án.