Trước đó, hàng loạt bang của Mỹ đang bổ sung các biện pháp an ninh, chuẩn bị cho mọi kịch bản hỗn loạn có thể xảy ra trong ngày quan trọng này.
Tại Philadelphia, Detroit và Atlanta, 3 trong số những bang được cho là nơi cựu Tổng thống Donald Trump từng khiếu nại về gian lận bầu cử, giới chức trách đã có những biện pháp tránh tái diễn sự hỗn loạn của năm 2020. Còn tại các bang chiến trường như Arizona, Nevada, Wisconsin và Bắc Carolina… giới chức bầu cử cũng đang gấp rút công tác chuẩn bị cho các tình huống.
Phần lớn các bang bắt đầu mở cửa địa điểm bỏ phiếu từ 6h. Một số khu vực, cử tri có thể đi bỏ phiếu sớm hơn.
Bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày thứ ba sau thứ hai đầu tiên trong tháng 11 là truyền thống đã có từ gần 180 năm trước và duy trì tới ngày nay. Mỹ có khoảng 244 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu năm nay, trong đó hơn 74 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm.
Ở các bang chiến trường, tỷ lệ ủng hộ giữa ứng viên Cộng hòa Donald Trump, 78 tuổi, và ứng viên Dân chủ Kamala Harris, 60 tuổi, rất sít sao, nên có thể dẫn tới kịch bản kiểm phiếu lại ở một số nơi.
4 năm trước, truyền thông Mỹ phải mất 4 ngày sau ngày bầu cử mới xác định được người chiến thắng.
Nhiều chuyên gia nhận định tổng thống đắc cử có thể được xác định vào sáng ngày 6/11 hay vài ngày sau đó.
Trong bối cảnh xã hội Mỹ phân cực sâu sắc, thế giới đang đối mặt với hàng loạt thách thức, kết quả cuộc đua vào Nhà Trắng lần này không chỉ định hình cục diện nước Mỹ trong những năm tới, mà còn tác động và ảnh hưởng sâu rộng có tính toàn cầu. Chính vì vậy, mọi con mắt đang đổ dồn vào ngày 5/11- sự kiện được dự đoán bất ngờ, kịch tính bậc nhất cho đến phút cuối.