Chính trị

Tin tức

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có sự chỉ đạo phân công, phân cấp phù hợp nhằm phát huy trách nhiệm của cấp ủy, thủ trưởng các cấp, các ngành; nâng cao hơn nữa tính chủ động trong công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và sắp xếp cử cán bộ, công chức đi học; tạo cơ chế chủ động phối hợp kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.

 Trao chứng chỉ hoàn thành khóa bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp. Ảnh: P.L
Trao chứng chỉ hoàn thành khóa bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp. Ảnh: P.L

Nhờ đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, cập nhật kiến thức... cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh. Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng luôn đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức... Công tác đào tạo sau đại học đã được chú trọng cả về đối tượng và chính sách đối với người được cử đi đào tạo. Thực hiện các quy định và hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã phê duyệt danh sách quy hoạch đào tạo trình độ cao giai đoạn 2010-2015 gồm 415 cán bộ, công chức, viên chức và giai đoạn 2016-2020 có 655 cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, tỉnh đã cử 442 cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học.

Hàng năm, theo chỉ tiêu phân bổ của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tiến hành tổng hợp nhu cầu đào tạo cao cấp lý luận chính trị của các cơ quan, đơn vị và xét duyệt, cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Trong giai đoạn 2006-2016, tỉnh đã cử 1.541 cán bộ đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã cử 11 cán bộ, công chức theo học thạc sĩ chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, triết học, kinh tế tại Học viện Trung tâm và Học viện Chính trị khu vực III.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2006-2016, công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều cán bộ khi được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có khả năng vận dụng tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn ở địa phương. Trong công tác chuẩn bị nhân sự quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức và các kỳ đại hội Đảng các cấp, những cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm và bầu vào các chức danh lãnh đạo, cấp ủy Đảng các cấp về cơ bản đã đáp ứng tốt yêu cầu về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Nhờ đó mà chất lượng của đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, số lượng giảng viên có trình độ sau đại học tăng lên đáng kể. Việc thực hiện các chính sách cho cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Theo đó, các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch đều do ngân sách tỉnh chi trả. Riêng cán bộ, công chức cấp xã đi học còn được tỉnh hỗ trợ một phần tiền ăn 40.000 đồng/người/ngày theo Quyết định số 794/QĐ-UBND, ngày 23-11-2010 của UBND tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có quy hoạch đào tạo sau đại học, sau khi tốt nghiệp còn được tỉnh hỗ trợ chi phí đào tạo theo từng bậc học quy định tại Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND, ngày 24-12-2010 của UBND tỉnh. Học viên học cao cấp, cử nhân chính trị hệ tập trung tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được hỗ trợ theo quy định của Trung ương.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào đạo, bồi dưỡng cán bộ, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tập trung chỉ đạo việc quy hoạch, chọn cử cán bộ, công chức đi học phải khách quan, dân chủ, cử đúng người, học đúng ngành nghề, đáp ứng công việc. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đối tượng là cán bộ chủ chốt các cấp theo hướng lồng ghép, kết hợp giữa đào tạo chuyên môn với quản lý nhà nước, tin học và kỹ năng hành chính… nâng cao năng lực phù hợp với từng vị trí chức danh; bảo đảm gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Chú trọng công tác quản lý nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức với công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm. Xây dựng, chuẩn hóa và từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và năng lực, bảo đảm đủ về số lượng, tiêu chuẩn, đồng bộ về cơ cấu, trình độ, tính kế thừa giữa các thế hệ nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị.

 Đỗ Ngọc Hải

Có thể bạn quan tâm