Cuộc thi là một phần của chuỗi sự kiện truyền thông-triển lãm về quyền con người tại Việt Nam, góp phần phổ biến khái niệm này một cách sinh động, hiệu quả.
Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, “quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản của con người”. Hiến pháp 2013 cũng dành riêng chương II để nói về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bao gồm các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến quyền con người. Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Người khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Hiện nay, trong nền giáo dục quốc dân, giáo dục quyền con người là một dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nhân cách và ghi nhận phẩm giá, tăng cường tôn trọng quyền con người. Điều này còn nhằm xây dựng và phát triển xã hội, thúc đẩy sự tham gia vào quá trình giải quyết các xung đột, khuyến khích sự đồng cảm, hòa nhập, tôn trọng sự đa dạng và không phân biệt đối xử.
Ngày 5-9-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1309/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Đến năm 2025, phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy về quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân được tập huấn, bồi dưỡng.
Cùng với đó là hoàn thành việc biên soạn và đưa vào sử dụng sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo về quyền con người phục vụ giảng dạy, đào tạo phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; 100% cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức vào giữa tháng 12-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quyền con người là quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Cần xem công tác giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tham gia của toàn dân. Về giải pháp, tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền con người; thể chế hóa đầy đủ các nội dung về quyền con người đã được Hiến pháp quy định.
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2025 tập trung hoàn thành các nội dung của Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025” và tiến hành tổng kết, xây dựng đề án giai đoạn kế tiếp; đẩy mạnh truyền thông về quyền con người...
Trước đó, tháng 9-2024, tại buổi tọa đàm quốc tế với chủ đề “Tích hợp giáo dục nhân quyền vào hệ thống giáo dục: Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn” diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Tiến sĩ Lê Xuân Tùng-Giảng viên chính của Viện Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ việc triển khai đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tại Việt Nam với một số kết quả nổi bật.
Đó là tổ chức các khóa tập huấn quyền con người cho tất cả giáo viên, giảng viên trong hệ thống giáo dục quốc dân; biên soạn và xuất bản tài liệu giáo dục quyền con người; xây dựng khung nội dung quyền con người cho giáo dục phổ thông. Việt Nam đưa nội dung quyền con người vào đào tạo các nhà lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ thống chính trị trong chương trình cao cấp lý luận chính trị và đẩy mạnh hợp tác quốc tế lĩnh vực này.
Giáo dục quyền con người là chủ đề rộng lớn nhưng liên quan mật thiết đến từng cá nhân trong xã hội, trao quyền cho mỗi người để bảo vệ, thực hiện quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác; thúc đẩy sự hiểu biết, khoan dung và tình hữu nghị giữa các quốc gia, các nhóm dân tộc, tôn giáo…
Không chỉ trông đợi vào nhà trường, giáo dục quyền con người nên bắt đầu từ mỗi gia đình, từ việc giáo dục về quyền trẻ em. Khi hiểu rõ để thực thi quyền của mình, trẻ em sẽ là người nắm bắt nhanh nhạy và phát huy quyền con người, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội.