Xác định lại thị trường, đối tượng khách, cơ cấu lại sản phẩm, chuyển đổi sang số hóa… là những giải pháp mà các doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội du lịch địa phương cũng như các nhà quản lý đưa ra tại Hội nghị cơ cấu lại thị trường khách du lịch, do Tổng cục Du lịch tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2020.
Các doanh nghiệp du lịch tìm hiểu tour du lịch tâm linh ở Hưng Yên. |
Du lịch 2020 vượt khó
Theo báo cáo của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó du lịch và hàng không là những ngành chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề. Kể từ tháng 2, tháng 3, Việt Nam tạm dừng đón khách quốc tế. Thống kê số lượng du khách quốc tế từ đó đã sụt giảm mạnh. Thị trường nội địa cũng hai lần tạm dừng đón khách trong tháng 2, 3 và tháng 7, 8, mặc dù vừa ngành du lịch vừa có rất nhiều nỗ lực kích cầu nội địa.
Dự kiến, trong năm nay, khách quốc tế sẽ sụt giảm khoảng 80%, khách nội địa sụt giảm 50%, tổng thiệt hại của ngành du lịch lên tới 23 tỷ USD, trong đó 16 tỷ USD là khách quốc tế.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch năm 2019 đạt được nhiều thành công với rất nhiều kỷ lục, tổng doanh thu ngành cao, liên tiếp giành nhiều giải thưởng du lịch quốc tế. Nhưng đến đầu năm 2020, khi đại dịch xảy ra với nhiều diễn biến phức tạp khiến đà tăng trưởng của du lịch khựng lại. Du lịch thế giới thiệt hại cũng lớn với khoảng hơn 1,1 tỷ du khách sụt giảm, rồi lao động mất việc, nhiều công ty lữ hành, hàng không lao đao, thậm chí phá sản, thiệt hại kinh tế cao.
“Tuy nhiên, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến ngành du lịch nhưng cũng gợi mở cho chúng ta nhiều cơ hội để vượt qua thách thức, chuẩn bị điều kiện đón khách quốc tế sắp tới. Việt Nam có điều kiện là phòng chống dịch bệnh tốt” – ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Chú trọng vào thị trường trong nước, nhưng vẫn phải chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại
Báo cáo của Tổng cục Du lịch cho biết, trong cơ cấu thị trường du lịch, khách quốc tế chiếm 45% nhưng tổng thu chiếm tới 55%, trong khi khách trong nước ngược lại, chiếm 55% nhưng tổng thu lại chỉ được 45% tổng thu từ du lịch. Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, du khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh, khách nội địa lại là cứu cánh cho thị trường du lịch. Chính vì vậy, việc cơ cấu lại thị trường, xác định đối tượng khách là vô cùng quan trọng, để nâng cao tổng thu và phát triển thị trường trong nước.
Khách quốc tế vẫn là thị trường quan trọng đối với du lịch khi tình hình đã ổn định trở lại. |
Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại cán cân thị trường du lịch đang rất nghiêng về du khách quốc tế, trong đó cao nhất là thị trường Đông Bắc Á, vì thế khi có chuyện xảy ra, thị trường chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Bà Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, nhìn từ góc độ kinh tế, điều này giống như bỏ trứng vào chỉ một vài giỏ. Cơ cấu thị trường ở Việt Nam, tới gần 70% là từ thị trường Đông Bắc Á. Hơn 80% du khách đến Việt Nam lại bằng đường hàng không, cho nên khi có dịch bệnh xảy ra, số lượng du khách sụt giảm kinh khủng. Việc xác định, cơ cấu lại thị trường rất quan trọng, trong đó chúng ta cần chú trọng vào thị trường trong nước. Một trong những việc cần làm là nghiên cứu xem các đối tượng khách đi du lịch với mục đích gì. “Đôi khi chúng ta thường chú trọng hơn vào đối tượng du khách tham quan, tìm hiểu... Nhưng cũng có nhiều đối tượng khách rất tiềm tàng, khả năng chi trả cao. Nếu tìm đúng động cơ của khách thì tỷ lệ tăng trưởng du lịch sẽ cao hơn và bền vững hơn” Bà Trần Thị Minh Hòa chia sẻ.
Nhiều chuyên gia khác cũng chung ý kiến phải chú trọng thị trường trong nước, tìm hiểu nhu cầu khách hàng để đưa ra các sản phẩm phù hợp. Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho rằng, cần phải chuẩn bị trước cho các thị trường, đồng thời có định hướng thị trường tốt. Ông Phùng Quang Thắng cho rằng, hiện tại trong giai đoạn này cung quá lớn so với cầu. Khách hàng không phải lựa chọn nhiều, mà chủ yếu chỉ cần xem sản phẩm khác nhau những gì. Hiện nay, theo ông, có hai xu hướng, một là kết hợp nghỉ dưỡng với chăm sóc sức khỏe. Hai là các điểm du lịch gần nơi sống và khoảng cách di chuyển gần, dễ đi lại. Muốn thu hút khách phải tạo ra sự khác biệt, còn nếu na na nhau thì sẽ khó hút khách. Ông Phùng Quang Thắng đưa ra thí dụ về tour Hỏa Lò đêm của Hanoitourist, số doanh nghiệp đăng ký tham gia khảo sát vượt gấp rưỡi số doanh nghiệp được mời, và doanh nghiệp nào cũng cho rằng, đây là sản phẩm hấp dẫn, bây giờ chỉ cần làm sao quảng bá cho tốt.
Tuy nhiên, ông Phùng Quang Thắng cũng lưu ý vẫn phải tập trung vào thị trường khách quốc tế ngay khi tình hình dịch bệnh giảm. Hiện tại, một số khách sạn thay vì để trống phòng đã tham gia phục vụ du khách cách ly để giảm bớt khó khăn. Có những khách sạn công suất khách cách ly đã lên tới 80%. Nếu phân tích kỹ, khách cách ly cũng có những nhu cầu riêng, chúng ta có thể tính toán để có những tour hoặc dịch vụ dành cho khách cách ly.
Chung ý kiến như vậy, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch cho rằng, hiện nay mặc dù nguồn thu chủ yếu từ khách nội địa, nhưng về chất lượng lại thấp hơn khách quốc tế. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ…, để có thể đón đầu khách quốc tế khi đã ổn định trở lại. “Khi thị trường ổn định trở lại, vẫn cần phải tập trung vào khách quốc tế” – ông Đinh Ngọc Đức khẳng định.
TUYẾT LOAN (NLĐO)