Du lịch

Hành trang lữ hành

Người kể chuyện văn hóa qua cơm lam, gà nướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- “Cơm lam, gà nướng không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng câu chuyện về văn hóa của dân tộc Jrai. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.

Vì vậy, tôi luôn nỗ lực để trở thành một đầu bếp giỏi nhằm chuyển tải câu chuyện văn hóa ấy đến với mọi người qua con đường ẩm thực”-ông Yaih (58 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) bày tỏ.

Ông Yaih cho hay: Cơm lam, gà nướng là món ăn truyền thống xưa kia của ông bà mình trong những chuyến đi rừng, đi rẫy. Lớn lên cùng hương vị mộc mạc, bình dị mang đậm chất núi rừng ấy, ông Yaih mong muốn sẽ trở thành một đầu bếp tài ba để góp phần gìn giữ món ăn truyền thống này.

“Mặc dù bây giờ, cơm lam, gà nướng đã không còn xa lạ với mọi người nhưng để lưu lại hương vị đặc trưng vốn có đòi hỏi người chế biến phải thực sự hiểu và đặt trọn tấm lòng của mình vào đấy. Khi làm cơm lam, gà nướng cũng là khi người đầu bếp đang kể câu chuyện về văn hóa của dân tộc mình”-ông Yaih chia sẻ.

Ông Yaih (làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) luôn nỗ lực gìn giữ hương vị cơm lam, gà nướng của người Jrai. Ảnh: T.D

Ông Yaih (làng Chuet Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) luôn nỗ lực gìn giữ hương vị cơm lam, gà nướng của người Jrai. Ảnh: T.D

Ít ai biết rằng, ông Yaih đến với nghề đầu bếp như một cơ duyên và chưa từng học qua trường lớp ẩm thực nào. Sau những giờ làm việc trên nương rẫy, ông lại say sưa tìm tòi phương pháp nấu nướng để cơm lam có độ ngọt thơm như hương lúa giữa cánh đồng hay cách nướng “sa lửa” vừa đủ nhiệt để thịt gà chín ngon đậm vị.

Ông Yaih cho hay: “Cơm lam phải nấu từ hạt nếp rẫy do người Jrai trồng. Ống nứa phải dùng loại xanh, tươi, thân mỏng và đốt dài. Cơm khi được nướng từ loại nứa này sẽ có hương thơm đặc biệt. Với món gà nướng, chọn gà thả vườn tầm 1,2-1,5 kg, tẩm ướp theo công thức truyền thống và phải có kỹ thuật nướng “sa lửa” để đảm bảo da gà giòn mà thịt bên trong không bị khô. Để món ăn ngon hơn, tôi sẽ chế biến gia vị chấm đi kèm là muối lá é”.

Năm 20 tuổi, ông Yaih đã là đầu bếp tài ba ở làng Chuet Ngol và trở nên nổi tiếng khi làm ra món cơm lam, gà nướng đúng vị truyền thống. Khi tổ chức các lễ hội như: bỏ mả, mừng lúa mới, mừng nhà rông mới… người dân làng Chuet Ngol và một số làng lân cận đều mời ông Yaih về trổ tài nấu nướng.

“Bất cứ lễ hội nào ở làng cũng có sự chung tay của ông Yaih cùng món cơm lam, gà nướng trứ danh. Chúng tôi rất vui mừng bởi từ một món ăn dân dã nay được nhiều người biết tới nhờ tài nghệ của ông Yaih”-ông Ser (làng Chuet Ngol) cho hay.

Thực khách thích thú với món cơm lam, gà nướng do ông Yaih chế biến. Ảnh: Trần Dung

Thực khách thích thú với món cơm lam, gà nướng do ông Yaih chế biến. Ảnh: Trần Dung

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Để làm nên thương hiệu riêng cho ẩm thực Phố núi, không thể không kể đến những đôi tay tài ba của người Jrai. Ngày nay, món cơm lam, gà nướng được đầu bếp người Jrai giới thiệu, trình diễn và phục vụ khách du lịch phổ biến trong các homestay, nhà hàng… Nhờ vậy, truyền thống văn hóa và tinh túy ẩm thực Jrai cũng được quảng bá rộng rãi đến bạn bè gần xa.

Năm 2019, sau khi tham gia lớp tập huấn du lịch cộng đồng do TP. Pleiku tổ chức, ông Yaih mạnh dạn về làm đầu bếp chính cho quán cơm lam gà nướng HBya tại làng Chuet Ngol. Ngoài việc nỗ lực lưu giữ hương vị vốn có do cha ông để lại, ông Yaih đã tự mày mò học hỏi và tìm cách biến tấu để món ăn hợp với từng hoàn cảnh và khẩu vị thực khách.

Theo thời gian, ông Yaih đã đưa món ăn truyền thống cơm lam, gà nướng của người Jrai “phủ sóng” khắp các lễ hội ẩm thực trong vùng và nhận về nhiều lời khen ngợi. Ngoài phục vụ tại Pleiku, ông còn tham gia các liên hoan, ngày hội ẩm thực tại các tỉnh, thành trong cả nước.

“Khi thưởng thức cơm lam, gà nướng, du khách sẽ muốn khám phá về những câu chuyện văn hóa xoay quanh món ăn. Tôi sẽ là người trổ tài chế biến và qua đó kể cho mọi người nghe về nguồn gốc và ý nghĩa của món ăn. Nhiều du khách cũng trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm ra món ăn đặc sản này”-ông Yaih nói.

Hình ảnh người đàn ông Jrai say sưa làm cơm lam, gà nướng khiến du khách thích thú. Không những vậy, ông Yaih còn hướng dẫn cách nướng cơm lam, cách tẩm gà… và kiên nhẫn giới thiệu cho du khách các công đoạn chế biến cũng như ý nghĩa của món ăn.

Ông Trần Minh Hưng-du khách đến từ tỉnh Quảng Nam-chia sẻ: “Tôi đặc biệt có hứng thú với các món ăn truyền thống do người Jrai trực tiếp chế biến, đặc biệt là món cơm lam, gà nướng. Qua bàn tay của ông Yaih, món ăn này đã chứa đựng hương vị chân chất, mộc mạc như cỏ cây, núi rừng”.

Gần 40 năm gắn bó với nghề đầu bếp, điều khiến ông Yaih thấy hãnh diện nhất là người con trai cũng chung niềm đam mê. Ông kỳ vọng con trai sẽ nối nghiệp và tiếp tục hành trình gìn giữ hương vị truyền thống của người Jrai, trong đó có món cơm lam, gà nướng.

“Từ nhỏ, mình đã được theo bố, cùng phụ bố chế biến cơm lam, gà nướng trong các lễ hội của làng hay khi phục vụ du khách gần xa. Mình cũng rất yêu ẩm thực truyền thống của dân tộc. Mình cũng cảm nhận được sự ưu ái của thực khách đối với món ăn truyền thống này. Bởi vậy, mình đã theo bố học bí quyết nấu thành thạo và giữ được hương vị đặc trưng mà bố đã đúc kết, lưu giữ bao năm”-anh Phiếu-con trai ông Yaih-tâm sự.

Có thể bạn quan tâm