Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xây dựng văn hóa học đường là nội dung quan trọng để đổi mới giáo dục toàn diện. Hiện nay, các cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) luôn chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường nhằm tạo nên thế hệ HS có đạo đức, lối sống đẹp, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử văn hóa với những giải pháp cụ thể. Ảnh: M.K

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Krông Pa còn chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường với mục tiêu “Trường học hạnh phúc” yêu thương, an toàn và tôn trọng.

“Với đặc thù 100% học sinh là người DTTS và sinh hoạt nội trú nên mỗi lớp đều đề ra nội quy, mục tiêu cụ thể để hướng học sinh đến những điều tích cực. Cùng với đó, nhà trường không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy và học; xây dựng văn hóa trong tổ chức các hoạt động tập thể; kết hợp giữa dạy chữ với dạy người”-Hiệu trưởng Nay H’Chung khẳng định.

Cô H’Chung cho biết: Trước tiên, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu sự gương mẫu của cán bộ, giáo viên trong giao tiếp, bởi học sinh sẽ luôn nhìn vào thầy-cô để học tập hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ. Mặt khác, thầy-cô cũng là người khơi dậy tình yêu thương, tôn trọng đối với các em. Trên tinh thần ấy, nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử, quy định rõ nguyên tắc ứng xử chuẩn mực giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với nhau và với học sinh, phụ huynh.

Em Ksor Hoa (lớp 9) bày tỏ: “Được thầy-cô dạy bảo và đồng hành trong các hoạt động sinh hoạt nội trú, chúng em thấy rất hạnh phúc. Nếu bạn nào có hành vi sai trái, thầy cô đều khuyên răn, chỉ dạy điều đúng. Trường học đã trở thành ngôi nhà yêu thương thứ hai của chúng em”.

Bám sát hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, linh hoạt quy tắc ứng xử văn hóa với những giải pháp cụ thể, tạo được hiệu ứng tích cực.

Theo thầy Rmah Kmlă-Phó Hiệu trưởng nhà trường, sự chuẩn mực về hành vi, thái độ của giáo viên là tấm gương để học sinh noi theo, giúp quan hệ giữa thầy trò xích lại gần nhau hơn. Từ đó, các em có thể sẻ chia những tâm tư, nguyện vọng của mình. Khi được giải đáp thỏa đáng thắc mắc, các em sẽ chuyên tâm cho việc học tập.

Để giúp học sinh tự tin, vui vẻ hơn, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Krông Pa đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với thực tiễn địa phương. Ảnh: Mai Ka

“Nhà trường cũng quan tâm đến việc tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua các buổi chào cờ và sinh hoạt ngoại khóa; hàng năm tổ chức các chuyên đề, diễn đàn về xây dựng tình bạn đẹp nói không với bạo lực học đường...

Với những giải pháp cụ thể, nhà trường đã giúp học sinh tích cực trong mọi hoạt động, có lối sống đẹp. Kết quả giáo dục toàn diện của nhà trường ngày một tiến bộ; phụ huynh cũng yên tâm nhiều khi gửi gắm con em mình vào trường”-thầy Rmah Kmlă nhấn mạnh.

Tương tự, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện), các em học sinh đã mạnh dạn hơn trong các hoạt động ngoại khóa; gần gũi, hòa đồng với thầy-cô.

Em Rcom Trinh (lớp 2C) bày tỏ: “Em rất thích đến trường vì ở đây có thầy cô, có bạn. Mọi người rất yêu thương em”. Cô Hồ Thị Năm-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Có được kết quả này là nhờ nhà trường đã sớm xác định được việc xây dựng văn hóa học đường là nền tảng cho việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống.

Cùng với đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến phong tục, tập quán của đồng bào DTTS. Nhà trường đã triển khai xây dựng và áp dụng các thông điệp văn hóa, đem lại hiệu quả tích cực trong giao tiếp.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần hình thành môi trường học đường có văn hóa là học sinh được trải nghiệm các hoạt động ngoại khóa. Đây là sân chơi bổ ích, nơi học sinh được vui chơi sau giờ học, giúp các em vừa sảng khoái về tinh thần vừa rèn luyện thể chất, sự tự tin trong cuộc sống và học tập; từng bước góp phần xây dựng trường học hạnh phúc”.

Những học sinh Bahnar, Jrai ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nay Der gần gũi, hòa đồng với thầy-cô giáo. Ảnh: Mai Ka

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Công cho biết: Mục tiêu chung của văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh, các mối quan hệ thân thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển thương hiệu của nhà trường, đặc biệt là trường nội trú, bán trú có học sinh DTTS.

Do đó, các trường học cần triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch, chương trình về giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh. Đồng thời, chú trọng thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2019-2025”, bám sát các quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Cùng với đó, điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong nhà trường; xây dựng văn hóa ứng xử đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng-chống bạo lực học đường.

Có thể bạn quan tâm