Thời sự - Bình luận

Xin suất vào ký túc xá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách đây mấy hôm, tôi nhận được tin nhắn của bạn đại học: “Con tớ về Hà Nội học, cậu có cách nào xin cho cháu vào ký túc xá (KTX) hay làng sinh viên không? Lương giáo viên của tớ không nuôi nổi con trọ học”.

Tin nhắn đó làm tôi nhớ về thời sinh viên kham khổ và đồng cảm với các tân sinh viên bắt đầu nhập cuộc ở đất Thủ đô hay các thành phố lớn.

Chúng tôi nhập học cách đây tròn 24 năm. Tiền phòng trọ lúc đó chỉ từ 150-200 nghìn đồng/phòng, mỗi phòng có thể ở 2-3 người. Suất cơm sinh viên lúc đó trên dưới 3.000 đồng; các bạn nữ tằn tiện chỉ 1.500-2.000 đồng/bữa. Mỗi tháng, gia đình cấp cho mỗi sinh viên khoảng 500 nghìn đồng là đủ chi tiêu cơ bản. Có bạn đưa lương thực ở quê lên thì chỉ cần 200 -300 nghìn đồng/tháng cũng đủ sức vượt qua quãng đời đèn sách tại Thủ đô.

KTX lúc đó là mơ ước của rất nhiều sinh viên, nhưng phải có các điều kiện ưu tiên như gia đình chính sách, khó khăn, hay con em đồng bào dân tộc thiểu số mới có chỗ. Ở KTX có bạn bè để có thể dễ dàng mượn sách vở, trao đổi bài ngay khi cần. KTX cũng có một thư viện lớn cho sinh viên học tập. KTX cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đậm chất sinh viên. Đặc biệt, ở KTX, gánh nặng chi phí được giảm xuống tối đa. Thời của chúng tôi, mỗi người chỉ phải đóng 350.000 đồng tiền chỗ ở trong KTX cho cả năm học. Bây giờ nhìn lại, nhờ môi trường tập thể ở KTX, nhiều bạn ra trường thành đạt, sống trách nhiệm, xử lý tình huống rất linh hoạt.

Ước mơ có chỗ trong KTX bây giờ vẫn còn đó. Nếu không có chỗ trong KTX, các em phải len lỏi trong các ngõ ngách chật hẹp ở Hà Nội để thuê trọ với chi phí khoảng 2-3 triệu/tháng, bằng cỡ nửa tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời của bố mẹ ở quê. Năm nay, vì bị siết quy định phòng cháy chữa cháy, tranh thủ “tát nước” theo lương..., các chủ nhà trọ lại bất đắc dĩ phải lại dồn hết lên đầu sinh viên.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút nguồn đầu tư khác cho giáo dục..”. Để cụ thể hóa, Nghị quyết 29 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Ban Chấp hành Trung ương hay Luật Giáo dục năm 2019 đều quy định ngân sách nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo tối thiểu là 20%. Điều đó thể hiện tính ưu việt của xã hội ta khi ưu tiên cho các lĩnh vực phát triển con người và giáo dục.

Tuy nhiên, thực tế chưa như kỳ vọng. Cuối năm 2023, tại hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29 nêu trên, Bộ Giáo dục cho hay, trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ở mức 15-19%, chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20%.

Ngoài vấn đề tài chính cùng với các vướng mắc về quy hoạch đất đai, sự thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện khiến các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học cao đẳng chậm được cải tạo, nâng cấp, di dời. Các KTX, làng sinh viên cũng chậm được xây dựng.

Vì vậy, việc ngỏ lời của cô bạn học như trên vẫn sẽ còn. Nếu không xin được một chỗ ở KTX, con của bạn tôi sẽ lại phải đi bán quán cà phê, chạy grab để đỡ đần cho bố mẹ. Chuyến tàu thanh xuân đẹp nhất của sinh viên - nguồn lực tinh hoa nhất của đất nước - vì thế sẽ kém chất lượng, kém vui và gian nan hơn.

Theo Sỹ Lực (TPO)

Có thể bạn quan tâm