Ngày 23.8, ông Trần Văn Lực - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum - cho biết, liên tục hàng loạt trận động đất trong cùng ngày tuy nhiên may mắn chưa có thiệt hại gì lớn xảy ra.
Khu tái định cư của người dân quanh lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: T.T |
Hiện đơn vị đang báo cáo lên Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai về tình hình động đất trong ngày 23.8. Có 3 trận động đất lớn liên tiếp, được ghi nhận với cường độ 4,7; 3,6; 3,7 độ Richter. Tâm chấn các trận động đất tại huyện Kon Plông.
“Các huyện báo cáo về chiều tối nay chưa có thiệt hại gì nghiêm trọng xảy ra. Thủy điện Thượng Kon Tum cũng điều động người đi khảo sát xung quanh khu vực rung chấn, không có hư hỏng, sụt lún gì ảnh hưởng đến con đập”, ông Lực nói.
Vào tháng 4.2022, kể từ khi thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, xuất hiện hàng loạt trận động đất lớn nhỏ, làm người dân địa phương ở huyện Kon Plông hoang mang, lo sợ.
Các đoàn chuyên gia, nhà khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra đi khảo sát tình hình động đất, đánh giá tác động của thủy điện, xây dựng kịch bản đối phó động đất.
Việc động đất kích thích có thể do thủy điện tích nước, tuy nhiên, các ngành chức năng vẫn chưa thể đi đến kết luận cuối cùng. Được biết, thủy điện Thượng Kon Tum có vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Tây Nguyên.
Động đất xảy ra liên tiếp vào thời điểm Kon Tum đang có mưa lớn liên tục, nguy cơ sạt lở đất đai, lũ quét, lũ ống cao, báo hiệu một mùa mưa lũ, thiên tai khắc nghiệt.
Hiện các địa phương, trường học, nhà dân ở quanh vùng thủy điện Thượng Kon Tum nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh trú. Người dân huyện Kon Plông cũng hoang mang, lo lắng, khi có tiếng động lớn, người dân bỏ nhà chạy ra phía trước sân để tránh nạn, lo ngại động đất có thể làm sập nhà cửa.
Theo Thanh Tuấn (LĐO)