Kinh tế

Chưa nên tăng đàn heo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Giá thịt heo ở Việt Nam đang ở mức cao, cao hơn mức bình quân của thế giới ít nhất 5.000 đồng/kg”-thông tin ấy từ truyền thông không hẳn là chuyện  vui, dù năm 2017, giá thịt heo hơi đã từng giảm thê thảm, rớt tận đáy.

Nói thế, không có nghĩa là mức giá heo hơi cao tới 46.000-50.000 đồng/kg như hiện nay không được xem là một tín hiệu đáng mừng, nhưng đây lại là cái mừng trong cảnh giác, mừng trong nỗi lo. Là vì, khi giá heo hơi ở Việt Nam tăng cao, lại là lúc giá thịt heo trên thế giới đang giảm thấp. Ở nước láng giềng Trung Quốc, giá thịt heo hơi cao nhất cũng chỉ 41.000 đồng/kg. Trong khi đó, Trung Quốc lại tăng thuế đánh vào thịt heo nhập khẩu từ Mỹ-nước đứng đầu thế giới về sản xuất thịt heo. Thịt heo Mỹ, vì vậy, đã và đang tràn vào Việt Nam, theo đúng quy luật “chỗ trũng thị trường”. Với giá 41.000 đồng/kg, thịt heo Mỹ rõ ràng sẽ có lợi lớn khi nhập vào Việt Nam.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lý do khiến giá heo hơi Việt Nam tăng kỷ lục trong vòng 3 tháng qua là bởi đàn heo tại Việt Nam giảm mạnh sau khủng hoảng năm 2017. Những người nuôi heo đàn chưa đủ sức khôi phục lại đàn heo thì giá đã vọt tăng. Nhưng lại tăng không bền vững. Chưa kể, nguồn cung thế giới đang rất dồi dào, các nước lớn có giá heo giảm tiếp tục đưa thịt heo vào Việt Nam, còn ngay trong nước, khi thấy giá tăng, người chăn nuôi có thể lập tức tăng đàn một cách thiếu tính toán và thiếu thông tin.

Có thể lại xảy ra một chu kỳ giá thịt heo giảm sâu từ nhiều nguyên nhân như thế. Đó là lý do khiến Bộ Nông nghiệp và PTNT cảnh báo người chăn nuôi cần thận trọng, không nên vội vã tăng đàn trong lúc này, tránh tình trạng tăng đàn mất kiểm soát, dù đây đang là thời điểm giá heo ở Việt Nam đạt tới đỉnh cao. Đó là một cảnh báo cần thiết dựa trên sự phân tích thị trường, không chỉ thị trường Việt Nam, mà còn là thị trường thế giới.

Trong nền kinh tế thị trường thế giới hiện nay, thịt heo cũng đang ở trong “thế giới phẳng”. Nước sẽ lập tức chảy về chỗ trũng, khi chúng ta chưa kịp định hướng, giá cả có thể đã thay đổi theo hướng bất lợi cho người sản xuất. Đây là điều người dân phải hết sức quan tâm. Người sản xuất đang cung ứng không chỉ cho một thị trường nội địa nhỏ hẹp, mà họ chịu tác động trực tiếp từ thị trường lớn hơn, là khu vực và lớn hơn nữa là thế giới. Theo đó, việc phân tích thị trường của Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Bộ Công thương cần nhạy bén và kịp thời hơn nữa, dự đoán chính xác hơn nữa những xu hướng phát triển để có thể trực tiếp giúp thông tin cho người chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi quy mô lớn, tránh được những nguy cơ từ sự biến đổi rất nhanh của thị trường. Có thể giá thịt hôm nay đang tăng, nhưng ngày mai sẽ giảm, rồi ngày kia lại tăng, nhiều khi không theo một chu kỳ cố định nào cả.

Chưa kịp mừng đã lo, đó là tâm trạng của người nuôi heo ở Việt Nam.

Vì thế, nên “củng cố trận địa” trước khi “đánh lấn” tăng đàn. Ai cũng biết, trong sản xuất kinh doanh, cần phải chớp thời cơ. Nhưng thời cơ đối với giá thịt heo ở Việt Nam còn khá bấp bênh, vì vậy, sự cảnh giác và bình tĩnh là cần thiết.

Trong thực tế, những người nuôi heo nhỏ lẻ ở nước ta lại hầu như ít quan tâm về sự biến chuyển của thị trường thịt heo thế giới, vì thực ra, lượng cung ứng thịt heo của từng hộ là rất nhỏ. Nhưng nhiều và rất nhiều hộ nuôi heo nhỏ lẻ như thế lại tạo nên một thị trường tự phát rất đáng lo ngại mỗi khi giá thịt heo biến động. Giá tăng thì không sao, nhưng giá giảm sâu thì chỉ còn biết... khóc mà thôi.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm