Giáo dục

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

"CÓ KÊU CŨNG CHẲNG THAY ĐỔI ĐƯỢC GÌ, CỨ CỐ GẮNG LÀM THÔI"

Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay tại trường bà toàn bộ giáo viên (GV) các môn lý, hóa, sinh trước đây đã đi tập huấn và được cấp chứng chỉ để dạy môn tích hợp. Do vậy năm nay đã là năm thứ ba nhà trường tổ chức dạy tích hợp theo cách một GV dạy cả 3 phân môn, không còn dạy theo từng phân môn như năm đầu tiên nữa.

Học sinh lớp 9 trong một buổi học môn tích hợp khoa học tự nhiên. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Học sinh lớp 9 trong một buổi học môn tích hợp khoa học tự nhiên. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nói về chất lượng dạy học tích hợp đến năm thứ tư, vị hiệu trưởng này vẫn ngập ngừng: "Bây giờ có kêu cũng chẳng thay đổi được gì, cứ cố gắng làm thôi. Chúng tôi cũng không thể mặc kệ chất lượng được mà phải thường xuyên trau dồi chuyên môn cho GV chứ không thể phụ thuộc vào chất lượng của khóa tập huấn. Ví dụ, khi GV môn hóa, sinh dạy phân môn lý thì nhà trường sẽ yêu cầu GV lý dự giờ, góp ý…".

Theo vị hiệu trưởng này, việc cứ lặp lại như vậy cùng với ý thức tự học, tự nâng cao năng lực của mỗi GV thì cũng phần nào giúp chất lượng dạy học tích hợp được cải thiện.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trường THCS Phú La (Q.Hà Đông, Hà Nội), cho biết vốn dạy vật lý nên cô rất khó khăn khi thực hiện các thí nghiệm hóa học, sẽ phải nhờ đến sự hỗ trợ của đồng nghiệp dạy môn hóa. Trường THCS Phú La có 7 GV dạy các môn lý, hóa, sinh, trong khi có tới 46 lớp, nên trường đã phải hợp đồng 6 GV để dạy các môn học này. Lãnh đạo nhà trường cho biết với lớp 6, lớp 7 thì một GV được phân công đảm nhiệm cả 3 phân môn, nhưng đến lớp 8, nhiều kiến thức chuyên sâu nên GV chưa đủ tự tin để đảm nhiệm cả 3 phân môn.

Đại diện Trường THCS Vĩnh Quỳnh (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết việc xếp thời khóa biểu phải rất linh hoạt khi một môn học có tới 3 GV đảm nhiệm, nhưng cách làm ấy giúp nhà trường yên tâm về chất lượng hơn là việc để một GV chỉ đi bồi dưỡng một thời gian ngắn rồi về dạy cả 3 phân môn.

LO LỚP CUỐI CẤP VÌ THAY ĐỔI THI LỚP 10

Đã cố gắng mọi cách, nhưng hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng: "Năm tới, khi thi vào lớp 10, với chủ trương thay đổi của Bộ GD-ĐT theo hướng mỗi năm sẽ thay đổi môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp, thì chúng tôi cũng rất lo". Vị này giải thích: "Nếu Sở GD-ĐT Hà Nội chọn cách bốc thăm môn thi thứ ba thì đó có thể là khoa học tự nhiên. Do vậy, chúng tôi cũng đang bàn đến phương án với lớp 9 sẽ dạy theo từng phân môn để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho HS thi vào lớp 10 nói chung cũng như thi chuyên nói riêng".

Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (TX.Hoàng Mai, Nghệ An), từng chia sẻ, việc dạy học tích hợp trong bối cảnh chưa có GV được đào tạo từ đầu như hiện nay, thực tế GV buộc phải dạy chéo môn, kể cả những địa phương đã tập huấn và cấp chứng chỉ liên môn cho GV thì đó cũng chỉ "chữa cháy". Trong khi GV hiện nay đang thiếu rất nhiều. Về cơ bản nhà trường bố trí một GV dạy tất cả các phân môn trong môn tích hợp. "Lớp 6, 7 còn gắng gượng được, đến lớp 8, 9 thì khó có thể nói về chất lượng của các môn học đó khi mà GV thực chất là dạy chéo môn".

CHƯA TỰ TIN ĐẢM NHIỆM

Một GV Trường THCS Trung Lương, TX.Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) cho biết trước đây cô dạy môn sinh học và hóa học, đã hoàn thành khóa bồi dưỡng dạy môn tích hợp liên môn trong khoảng 3 tháng nhưng vẫn chỉ có thể dạy phân môn hóa và sinh trong môn khoa học tự nhiên. Cô lý giải việc dạy toàn bộ môn khoa học tự nhiên với GV vốn chỉ được đào tạo đơn môn là chưa thể đảm bảo chất lượng. Đại diện Trường THCS Trung Lương cho biết GV đã được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để dạy tích hợp nhưng chắc chắn việc bồi dưỡng đó chưa thể đáp ứng được nhu cầu dạy học hiện nay với môn học này.

Nhiều địa phương cũng cho biết đã cử GV đi học, tập huấn từ 20 đến 36 tín chỉ để dạy tích hợp nhưng với thời gian ngắn hạn như vậy, GV rất khó đảm đương 1 - 2 môn còn lại vốn chưa được đào tạo để dạy học khi ở trường sư phạm. Trước đó, cử tri TP.Hải Phòng gửi kiến nghị tới Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV phản ánh Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa chú ý đến nguồn lực GV nên khi triển khai nhiều trường thiếu GV dạy các môn học tích hợp. Để khắc phục tình trạng này, một số đơn vị cử GV dạy vật lý, hóa học hoặc sinh học đi học các lớp bồi dưỡng trong thời gian ngắn, được cấp chứng chỉ dạy các môn không được đào tạo trong trường sư phạm, dẫn đến chất lượng giảng dạy không đảm bảo.

Cử tri kiến nghị Bộ GD-ĐT quan tâm, chỉ đạo khắc phục tình trạng bất cập này, đảm bảo chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo đó, đối với các trường thiếu GV dạy môn khoa học tự nhiên, đề nghị Bộ GD-ĐT hướng dẫn, cho phép tổ chức dạy song song kiến thức vật lý, hóa học, sinh học trong môn khoa học tự nhiên theo điều kiện của nhà trường thay cho việc dạy theo mạch kiến thức trong sách giáo khoa; chỉ đạo các trường sư phạm trên toàn quốc đào tạo ngay GV dạy tích hợp môn khoa học tự nhiên để có nguồn GV cho các nhà trường.

Bộ GD-ĐT cũng đã giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo giáo viên các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Bộ GD-ĐT cũng đã giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo giáo viên các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

KHÔNG THAY THẾ ĐỘI NGŨ

Trả lời bằng văn bản về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng để thực hiện dạy môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì không thể thay thế toàn bộ GV lý, hóa, sinh, sử, địa mà vẫn phải bồi dưỡng đội ngũ GV này để dạy các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý.

Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình bồi dưỡng GV THCS dạy môn khoa học tự nhiên, môn lịch sử và địa lý để các địa phương xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng GV và cử GV tham gia bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới theo lộ trình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Cũng theo ông Sơn, việc tổ chức dạy học các môn tích hợp đã được Bộ GD-ĐT hướng dẫn phân công cho GV các môn học hiện tại. Theo đó, căn cứ tình hình đội ngũ GV của nhà trường, hiệu trưởng phân công GV dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của GV. Khi một môn học có nhiều GV cùng phụ trách theo từng mạch nội dung, nhà trường cần xây dựng thời khóa biểu phù hợp, không nhất thiết chia đều số tiết/tuần; nếu cần có thể không bố trí dạy môn học đó ở một số tuần (trên cơ sở bảo đảm chương trình theo từng học kỳ) để bảo đảm định mức giờ dạy/tuần của các GV được phân công.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho biết thêm Bộ cũng đã giao cho các cơ sở đào tạo GV mở mã ngành đào tạo GV các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý; đồng thời ban hành thông tư quy định về đào tạo cấp bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ ĐH, CĐ nhóm ngành đào tạo GV. Hiện tại, hầu hết các cơ sở đào tạo GV đã mở mã ngành và đang đào tạo GV để dần thay thế cho số GV nghỉ hưu, bổ sung nguồn tuyển dụng cho các địa phương.

"Đã từng bước khắc phục được khó khăn"

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, tại nội dung về thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT cho rằng: "Đối với một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc phân công GV và tổ chức dạy học khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý đã từng bước khắc phục được khó khăn do các GV dạy từng môn hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học. Đến nay, khó khăn, vướng mắc trong việc phân công GV và tổ chức dạy học các môn học này đã cơ bản được tháo gỡ sau khi Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị toàn quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện các môn tích hợp và ban hành Công văn số 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10.10.2023 hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn".

Theo Tuệ Nguyễn - Linh Hà (TNO)

Có thể bạn quan tâm