(GLO)- Với tình hình hiện tại, nợ công dự kiến năm nay sẽ lên đến con số 3,5 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP. Thực tế đó đang đòi hỏi phải có sự thay đổi cách thức vay và sử dụng vốn vay trong đầu tư phát triển, nếu không muốn nợ công tiếp tục là gánh nặng của đất nước.
Nợ công hiện gồm nợ của Chính phủ hơn 2,9 triệu tỷ đồng, nợ do Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỷ đồng và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách năm 2018 dự kiến là 3,71% GDP. Như vậy, bình quân mỗi người dân sẽ gánh khoản nợ công quốc gia 35 triệu đồng, tăng hơn năm ngoái 4 triệu đồng. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, con số này có thể sẽ chưa dừng lại. Bởi nợ công đang trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm tăng thêm khoảng 360.000-380.000 tỷ đồng; dự kiến năm 2019 là 3,9 triệu tỷ đồng và sẽ xấp xỉ 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2020.
Ảnh minh họa (nguồn internet) |
Sở dĩ nợ công tăng cao trong những năm gần đây là đã từng có giai đoạn chúng ta quá sốt sắng với vốn vay nước ngoài, trong đó có vốn ODA. Giai đoạn 2016-2017, chúng ta đã vay 9,2 tỷ USD, trong đó hơn 62% là vốn vay ODA (6,7 tỷ USD). Phải thừa nhận là nhờ nguồn vốn ODA lãi suất thấp, thời hạn vay dài 25-40 năm, thời gian ân hạn 5-10 năm mà chúng ta đã tiếp cận với nguồn kỹ thuật tài chính quan trọng, giúp chuyển giao tri thức, đổi mới, sáng tạo.
Tuy nhiên, lãi suất vay ODA luôn có xu hướng tăng dần. Nếu không cân nhắc kỹ, có thể sẽ rơi vào bẫy nợ khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn lãi suất vay thương mại trên thị trường trong nước. Đó là chưa kể một số khoản vay ưu đãi kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, nhà thầu, khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với đấu thầu cạnh tranh. Chuyện rủi ro do biến động tỷ giá, năng lực hấp thụ viện trợ nước ngoài của các ngành, địa phương và dự án cụ thể còn hạn chế, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đều phải gia hạn, kéo dài thời gian thực hiện, chậm phát huy hiệu quả, khiến các dự án đội vốn lên nhiều lần. Chuyện 5 dự án đường sắt trên cao đội vốn gần 5 tỷ USD là một minh chứng.
“Bẫy nợ Trung Quốc” đang là bài toán hóc búa đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, khi vốn vay từ nước này đứng hàng thứ 5 trong số các nhà tài trợ, với 281 triệu USD (giai đoạn 2016-2017). Không chỉ kém ưu đãi hơn so với các nguồn vốn khác mà vay của Trung Quốc bao giờ cũng kèm điều kiện về chỉ định thầu cho các doanh nghiệp của họ. Nói cách khác, họ đang bán dự án với giá cao.
Làm gì để thoát khỏi “bẫy nợ Trung Quốc” là phép tính phải cân nhắc kỹ. Làm gì để nợ công dừng lại và tiến tới giảm dần gánh nặng này lại càng phải tính toán kỹ hơn. Do đó, trong giai đoạn 2021-2025 cần phải kiên quyết cơ cấu lại nguồn vốn vay nước ngoài theo hướng chỉ cung ứng ODA cho những chương trình, dự án cần thiết kế với quy mô đủ lớn để phát huy hiệu quả tối đa, tác động lan tỏa mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Cần kết hợp hài hòa giữa vốn vay trong nước và nước ngoài. Vốn vay nước ngoài chỉ nên tài trợ cho nhu cầu đầu tư cần đến ngoại tệ như nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị.
Phải xác định ODA là kênh huy động vốn tạm thời, chỉ nên chiếm khoảng 30-50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò là vốn mồi cho các nguồn khác mà thôi. Ưu tiên sử dụng dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn như: giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng, nông nghiệp thông minh, kích thích hoạt động xuất khẩu; hạn chế vay nước ngoài để mua sắm nội địa. Về lâu dài, “cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui khỏi dòng vốn ODA, tăng cường huy động vốn trong nước”. Đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia nhằm tháo gỡ bài toán khó về nợ công thời gian tới.
Nguyễn Vân