Riêng 10 tháng của năm 2024, cả nước xảy ra gần 2.000 vụ TNGT liên quan đến trẻ em, khiến gần 800 trẻ bị thiệt mạng và hơn 2.000 trẻ bị thương.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT ở trẻ em, trong đó phần đa là do sự bất cẩn của người lớn. Tháng 6-2024, vụ việc cháu T.G.H. (SN 2019, trú tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của trường mầm non khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, xót xa. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra trường hợp hy hữu này khi hơn 4 năm về trước đã có học sinh lớp 1 Trường Quốc tế Gateway (Hà Nội) cũng tử vong sau khi bị bỏ quên trên ô tô gần 10 tiếng đồng hồ trong ngày tựu trường. Gần đây nhất là sự việc một tài xế lái ô tô đánh lái tránh xe máy lao thẳng vào nhà dân ở huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) khiến một bé gái 17 tháng tuổi thiệt mạng. Những người có trách nhiệm đều phải lãnh án trước pháp luật. Dù vậy, nỗi đau và sự tiếc nuối, hối hận sẽ mãi còn đeo đẳng.
Thời gian qua, tại Gia Lai cũng xảy ra những vụ TNGT liên quan đến trẻ em. Năm 2017, tại xã Hra (huyện Mang Yang) xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa xe buýt đưa đón học sinh và xe tải khiến 3 người tử vong tại chỗ, trong đó có 2 em học sinh. Tháng 4-2024, bé trai 11 tuổi được bố chở bằng xe máy đã tử vong thương tâm sau cú va chạm với ô tô đi ngược chiều tại đường Bùi Dự (TP. Pleiku). Còn vào tháng 5-2024, cháu L.H.L. (SN 2018) được bà chở bằng xe máy từ đường nhánh rẽ vào quốc lộ 19 (thị trấn Đak Đoa). Do thiếu quan sát, 2 bà cháu đã va chạm với xe lu. Cháu L. bị xe lu cán qua người tử vong tại chỗ.
Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt đối với việc điều khiển phương tiện chở theo trẻ em tham gia giao thông. Thắt dây an toàn đối với ngồi trên xe ô tô, đeo đai an toàn đối với xe máy là việc làm tối thiểu nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Ngoài ra, còn có các quy định đặc thù đối với trẻ dưới 12 hoặc 10 tuổi, quy chuẩn riêng đối với xe đưa đón học sinh.
Từ ngày 1-1-2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý là các quy định mới hướng đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông. Cụ thể, Luật quy định không được cho trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35 m ngồi cùng hàng ghế tài xế. Khi điều khiển xe máy phải sử dụng dây đai an toàn, ghế dành cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau khi chở trẻ em dưới 6 tuổi. Chỉ được chở trẻ em dưới 12 tuổi trong trường hợp chở 3 bằng xe máy.
Đối với xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ; có màu sơn theo quy định của Chính phủ; có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Luật quy định rõ trách nhiệm của người quản lý, lái xe phải kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe…
Đây là những quy định mới thể hiện sự tiến bộ, nhân văn, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ huynh nói riêng, người lớn nói chung trong việc chở trẻ em cùng tham gia giao thông, giúp bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Chương trình phòng-chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đã được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu hàng năm giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do TNGT đường bộ. Để đạt được mục tiêu trên cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Trong đó, cần nâng cao ý thức sử dụng các trang-thiết bị an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ như: mũ bảo hiểm, dây đai an toàn, ghế ngồi an toàn. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, các quy định an toàn giao thông đường bộ cho cha mẹ, trẻ em tại trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và cộng đồng…
Thiết nghĩ, cùng với các quy định chặt chẽ của pháp luật, gia đình và nhà trường cần thường xuyên giáo dục, căn dặn trẻ những quy tắc bắt buộc phải thuộc lòng khi tham gia giao thông nhằm hạn chế tối đa các rủi ro, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe chính bản thân mình.