Kinh tế

Chung tay tìm hướng đi cho cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nông dân trồng cà phê ở vùng Tây Nguyên đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ chuyện biến đổi khí hậu đến giá cả thị trường… Trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2017, những cuộc hội thảo, tọa đàm giữa giới chuyên môn với người nông dân đã được tổ chức để tìm ra hướng đi phù hợp cho cây cà phê trong thời kỳ mới.  

Doanh nghiệp cần sát cánh cùng nông dân

Tại hội thảo phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, một trong những vấn đề nóng bỏng nhất được đặt ra là: Tại sao là một nước sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, Việt Nam lại thụ động trước thị trường quốc tế? Theo thống kê, cà phê Việt Nam được bán ở 80 nước, có tầm ảnh hưởng rất lớn trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà rang xay hàng đầu thế giới. Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, sau đó là nông dân vẫn luôn bị các doanh nghiệp nước ngoài o ép, dẫn đến giá cà phê trồi sụt không thể tiên lượng được. Tại cuộc hội thảo, chuyên gia ngành cà phê Bạch Thanh Tuấn trăn trở: “Với những gì chúng ta đang có, đáng ra Việt Nam phải đứng ngang hàng khi đàm phán quốc tế. Nhưng để được như vậy phải có cách để hạt cà phê đạt chất lượng”.


 

 Nông dân trồng cà phê đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: Văn Ngọc
Nông dân trồng cà phê đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Trần Đức Thanh-Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho hay, ngành cà phê Việt Nam mỗi năm tạo ra doanh thu khoảng 3 tỷ USD, năng suất cao gấp 3 lần bình quân của thế giới. Nhưng dù đã có mặt hơn 100 năm, cà phê Việt Nam gần như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Theo ông Thanh, nguyên nhân của việc này là do chất lượng cà phê Việt Nam còn thấp, cà phê đa số xuất khẩu dưới dạng thô, sơ chế nên giá trị thu được chưa cao. Đặc biệt, ông Thanh cũng nêu ra nguyên nhân cốt lõi đến từ việc các doanh nghiệp luôn lấy lợi ích của mình làm mục tiêu kinh doanh, chưa quan tâm đến lợi ích của nông dân khiến ngành cà phê chưa tạo được sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ…

Tại hội thảo, đại diện của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, hiện nay, 95% cà phê của nông dân đều phải bán qua đội ngũ thương lái. Đội ngũ này cố tình khống chế thị trường cà phê theo ý đồ của họ nên khi được các doanh nghiệp mua lại, chất lượng cà phê không đảm bảo, ra thị trường quốc tế bị đối tác chê. Thậm chí có khoảng 20% lượng cà phê xuất khẩu bị thải loại do không đảm bảo chất lượng dẫn đến uy tín cà phê Việt Nam bị tổn hại nặng nề. Từ đó, nhiệm vụ bức thiết đặt ra là nông dân phải bán được cà phê trực tiếp cho doanh nghiệp và doanh nghiệp bắt tay cùng nông dân trồng cà phê có chất lượng. Từ đó mới có thể khẳng định thương hiệu của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đương đầu với nhiều thử thách

Nông dân trồng cà phê đang đứng trước nhiều thách thức lớn của thời đại, mà một trong số đó là biến đổi khí hậu. Theo ý kiến của đại diện Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tại hội thảo, biến đổi khí hậu đang làm cho thời tiết tại khu vực Tây Nguyên diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ô nhiễm môi trường… ảnh hưởng trầm trọng và trực tiếp đến năng suất, chất lượng của sản phẩm cà phê. Ví dụ như việc phân bố lượng mưa thất thường trong một vài năm trở lại đây khiến cây cà phê gặp nhiều trở ngại trong quá trình thụ phấn, tỷ lệ nở hoa ngoài ý muốn cao dẫn đến năng suất giảm.

Trước điều này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, ngành cà phê không thể sản xuất theo kiểu truyền thống như trước, không thể tưới lãng phí nước, lạm dụng phân bón… mà cần có giải pháp thay đổi, ứng phó kịp thời. Theo đó, cà phê Việt Nam đến năm 2020 cần giữ ổn định ở mức 600 ngàn ha và tập trung đi vào thâm canh; chuyển một số diện tích cà phê Robusta sang trồng cà phê Arabica, đặc biệt đẩy mạnh thực hiện giải pháp tưới tiết kiệm nước. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đề nghị các nhà khoa học nông nghiệp cần nghiên cứu, xác định loại cây trồng xen với cà phê phù hợp, có hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một trở ngại nữa được đặt ra đối với ngành sản xuất cà phê Việt Nam là việc tái canh cây cà phê. Đề án tái canh cà phê tại Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 đặt mục tiêu tái canh khoảng 90 ngàn ha và ghép cải tạo 30 ngàn ha. Tại buổi tọa đàm này, ông Trần Vũ Đức (xã Cư Pô, huyện Krông Búk, tỉnh Đak Lak) cho hay: “Gia đình tôi trồng 6 ha cà phê, sau 9 năm, sản lượng giảm một nửa, giá cả thị trường lại không ổn định, cứ được mùa thì lại mất giá nên rất khó khăn. Chúng tôi buộc phải tái canh nhưng lại không có vốn, đất chỉ trồng cà phê giờ chặt bỏ trồng lại thì mấy năm không có thu nhập, chúng tôi biết làm sao…”. Tại đây, các nhà chuyên môn cũng đã đưa ra các giải pháp cho tái canh cây cà phê là phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm như huy động vốn chính sách, vốn vay ngân hàng; xây dựng mô hình và tập huấn công tác chuyển giao kỹ thuật tái canh; xây dựng nguồn giống đạt chuẩn, nâng cao công tác quản lý nhà nước về giống…

 Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm