(GLO)- Những chuyến đi dài ngày không được báo trước, những lần giáp mặt với đối tượng truy nã có sử dụng hung khí, vũ khí nóng để chống trả… cũng không thể làm chùn bước các trinh sát truy nã, tội phạm. Trong hành trình truy bắt hàng trăm đối tượng truy nã có nhiều câu chuyện rất đỗi bình thường nhưng chất chứa tình cảm sâu nặng.
“Những lần ba lỗi hẹn”
Cơn mưa chiều bất chợt cuối tháng ba như cái duyên để tôi gặp và trò chuyện lâu hơn với Đại úy Bùi Ánh Sáng-cán bộ Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh. Sau chuyến công tác dài ngày ở TP. Hồ Chí Minh, Đại úy Bùi Ánh Sáng và đồng đội đã phối hợp bắt thành công một đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm. Trở về sau nhiều ngày đêm lăn lộn, ngược xuôi truy tìm đối tượng, dường như anh và đồng đội ai nấy đều già hơn tuổi. Đồng hồ chỉ 18 giờ 30 phút, Đại úy Sáng đang khẩn trương bàn giao đối tượng để về nhà như mọi khi thì trời đổ mưa. Trong không gian ấy, anh đã chia sẻ với tôi một câu chuyện đáng nhớ trong một đợt tầm nã.
Phòng Cảnh sát truy nã triển khai công tác. Ảnh: H.T |
Đó là đợt truy tìm đối tượng Trương Tín Hiếu, bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai truy nã về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau nhiều ngày lặn lội qua nhiều tỉnh thành, đến cuối tháng 1-2017, Đại úy Sáng và đồng đội đã phát hiện và bắt giữ Hiếu khi y đang lẩn trốn ở TP. Hà Nội. Trên đường anh áp giải đối tượng về Gia Lai, như mọi khi, đứa con gái út gần 5 tuổi vẫn nhõng nhẽo bắt mẹ phải điện thoại gặp ba trước giờ đi ngủ.
Đại úy Sáng kể tiếp: “Để an ủi con gái, tôi hứa sáng hôm sau về đến nhà sẽ đưa con đi chợ hoa, mua quà, sắm quần áo mới… Về đến đơn vị đúng 9 giờ sáng, khi đang làm thủ tục để bàn giao đối tượng thì lãnh đạo đơn vị cho biết vừa nhận thông tin về một đối tượng nghi vấn đang lẩn trốn ở tỉnh Lâm Đồng và chỉ đạo tổ công tác lập tức lên đường. Chỉ kịp điện thoại gặp vợ, nói là phải đi công tác, chưa biết ngày nào về. Ghé bên đường mua mấy ổ bánh mì, 3 anh em chúng tôi vừa ăn, vừa liên lạc để nắm thông tin và tính toán cách tiếp cận để xác minh, bắt giữ đối tượng; đồng thời liên lạc để được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Công an tỉnh bạn. 4 ngày sau, tổ công tác đã phối hợp bắt giữ và áp giải đối tượng về Gia Lai.
Khoảng 19 giờ ngày 27 Tết Đinh Dậu, chúng tôi về đến TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak. Không khí những ngày cận Tết rất nhộn nhịp. Thấy một người cha đi xe máy chở con đang cầm quả bóng bay, tôi mới sực nhớ đến lời hứa với con. Mấy ngày qua, không thấy con bé gọi điện gặp ba. Vì bị cuốn vào công việc nên tôi cũng không còn thời gian nghĩ đến con và gia đình. Biết mình đã lỗi hẹn, thấy thương con nhiều, một cảm giác rất buồn! Vừa lái xe, tôi vừa tâm sự, kể câu chuyện trên với 2 đồng chí ngồi bên cạnh, mãi không thấy trả lời, nhìn qua thì 2 người đã ngủ say vì thấm mệt sau nhiều ngày vất vả. Về đến nhà, tôi vội vã gặp con để thanh minh, an ủi nhưng con bé không chịu, nó giận và rơm rớm nước mắt, ít phút sau nó sà vào lòng tôi và khóc nức nở… Đối với những người lính truy nã như chúng tôi, đôi khi có những lời hứa tưởng chừng giản đơn mà rất khó thực hiện”.
Nỗi lòng người thân
Sau nhiều năm truy tìm, những thông tin về đối tượng Nguyễn Văn Điệp (SN 1974), trú tại thị xã An Khê, bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai truy nã về hành vi giết người, vẫn bặt vô âm tín. Đến cuối tháng 4-2015, Phòng Cảnh sát Truy nã xác định Điệp đang lẩn trốn tại tỉnh Khánh Hòa. Tổ công tác gồm 3 người do Trung tá Nguyễn Hữu Thắng-Đội trưởng, phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm chỉ huy để phối hợp với Công an tỉnh Khánh Hòa truy tìm. Sau 10 ngày, các trinh sát phát hiện một đối tượng tên Nam làm nghề phụ hồ có nhiều đặc điểm nghi vấn. Tuy nhiên, qua xác minh trường hợp này có sổ hộ khẩu ở phường. Để kiểm chứng danh tính thật của Nam, tổ công tác phối hợp bố trí đón lõng quanh một ngôi nhà đang xây. Khi đứng cách người tên Nam khoảng 20 mét, Trung tá Thắng hô lớn: “Điệp!”. Đối tượng tên Nam đi thêm vài bước rồi sực tỉnh, xô vữa trên tay rơi xuống, đổ loang, y đứng không vững, phải tựa người vào bức tường đang xây. Lập tức các trinh sát ập vào bắt giữ trước sự ngỡ ngàng của những người xung quanh. Sau 21 năm lẩn trốn, Điệp đã nhiều lần thay đổi chỗ ở, họ tên, sau đó sống như vợ chồng cùng một phụ nữ tên Linh và có với nhau 2 người con nhưng vẫn không trốn thoát.
Trung tá Thắng kể lại: “Điệp, Linh cùng 2 con nhỏ sống trong một phòng trọ xập xệ, bên trong chẳng có vật dụng gì đáng giá. Dẫn Điệp về nơi ở, chúng tôi đợi chị Linh về để thông báo sự việc. Đến khoảng 17 giờ 30 phút, từ trong phòng trọ tôi nhìn ra con hẻm rộng chừng hơn 2 mét thì thấy một phụ nữ dáng gầy ròm, chở 2 đứa trẻ trên chiếc xe đạp. Vừa vào đến cửa, chị đứng khựng lại. Sau khi nghe chúng tôi thông báo vụ việc Điệp dùng dao dâm chết anh ruột rồi bỏ trốn 21 năm về trước, chị Linh ngồi bệt xuống đất, mắt đỏ hoe, không nói nổi lời nào, 2 đứa trẻ thì ngơ ngác… Một lúc sau, chị nhìn thẳng vào mắt chồng, nói như muối xát: “Anh là kẻ ác độc hơn cả cầm thú!”, rồi ôm 2 đứa nhỏ khóc than trong vô vọng. Điệp cúi gằm mặt, miệng lẩm bẩm mấy câu: “Anh đã sai, giờ mong em chăm sóc cho con, anh xin lỗi, anh chẳng còn lựa chọn nào khác”.
Sau hơn một giờ động viên, chia sẻ, chúng tôi cũng đã giúp chị Linh định thần, hiểu và chấp nhận sự việc. Nhưng hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé cùng 2 đứa trẻ ấy vẫn ở lại trong tâm trí chúng tôi rất lâu”-Trung tá Thắng tâm sự.
Hữu Trường