Kinh tế

Tài chính

Chuyển đổi số trong quản lý nợ thuế: Giảm thủ tục, tăng tiện ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cục Thuế tỉnh Gia Lai là đơn vị tiên phong điện tử hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Đến nay, 100% thông báo nợ thuế, quyết định cưỡng chế nợ thuế được gửi đến người nộp thuế, các tổ chức tín dụng theo phương thức điện tử. Việc này góp phần giảm thời gian, chi phí, nhân lực, đồng thời gia tăng hiệu quả công tác quản lý nợ thuế.
Ngành Thuế tỉnh hiện quản lý 5.124 doanh nghiệp đang hoạt động, 331 doanh nghiệp tạm nghỉ có thời hạn, 610 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể và 19.810 hộ, cá nhân kinh doanh. Với số lượng người nộp thuế là tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh rất lớn, hàng tháng, cơ quan Thuế phải tiêu tốn nhiều chi phí, nhân lực, thời gian để rà soát, đối chiếu, kiểm tra, ban hành hàng chục ngàn bản thông báo nợ thuế, quyết định cưỡng chế đến đối tượng nộp thuế. Trước yêu cầu thực tế đặt ra, từ tháng 6-2021 đến nay, Cục Thuế tỉnh đã chủ động triển khai việc ứng dụng điện tử hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trong toàn ngành. Đây được xem là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, thu nợ đọng thuế.
Thông qua ứng dụng điện tử hóa, các thông báo nợ thuế, quyết định cưỡng chế nợ thuế được gửi cho người nộp thuế trên tài khoản Etax Mobile, email, Zalo. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh kết nối thông tin với các tổ chức tín dụng trên Cổng trao đổi thông tin. Căn cứ cơ sở dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế tập trung TMS, hệ thống tài khoản ngân hàng trên Etax Mobile, danh sách tài khoản do các tổ chức tín dụng cung cấp và một số thông tin khác trên các báo cáo, hợp đồng của người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng bằng phương thức điện tử. Tất cả các quyết định cưỡng chế được ký số qua hệ thống, đồng thời Cục Thuế tỉnh xây dựng phần mềm tự động phân loại tệp theo từng tổ chức tín dụng, gửi email, tin nhắn Zalo tự động đến người nộp thuế một cách kịp thời, chính xác.
Hiện nay, tất cả thông báo thuế, quyết định cưỡng chế nợ thuế được thực hiện và gửi theo phương thức điện tử. Ảnh: Hải Bình
Hiện nay, tất cả thông báo thuế, quyết định cưỡng chế nợ thuế được thực hiện và gửi theo phương thức điện tử. Ảnh: Hải Bình
Ông Hoàng Phi Dũng-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa-Mang Yang-cho biết: “Định kỳ hàng tháng sau khi khóa sổ hệ thống quản lý thuế tập trung TMS, Chi cục triển khai đến từng đội thuế kết xuất dữ liệu nợ thuế đối chiếu bộ phận quản lý nợ thuế, sau đó ban hành thông báo nợ đến người nộp thuế bằng email, tin nhắn Zalo. Đối với các trường hợp sắp đến hạn cưỡng chế nợ thuế, Chi cục gửi song song bằng đường bưu điện để họ biết và thực hiện. Việc gửi thông báo về số tiền chậm nộp cùng thông báo tiền thuế nợ qua Zalo người nộp thuế đã giúp Chi cục tiết kiệm được thời gian, kinh phí; đồng thời giúp người nộp thuế nhận được thông tin nhanh chóng, kịp thời”. Bên cạnh đó, trong năm 2022, Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa-Mang Yang đã triển khai biện pháp cưỡng chế tài khoản của người nộp thuế nợ thuế quá 90 ngày đạt 100%, kể cả hộ kinh doanh. Chi cục đã gửi quyết định cưỡng chế nợ thuế đến người nộp thuế bằng phương thức điện tử đạt 100%. Bên cạnh việc áp dụng biện pháp cưỡng chế tài khoản ngân hàng, cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn, Chi cục đã triển khai áp dụng biện pháp cưỡng chế đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh cũng như cưỡng chế bên thứ 3 để thu hồi tiền thuế nợ.
Theo phân tích của ông Nguyễn Ngọc Thi-Phó Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), một điểm rất đáng ghi nhận khi ứng dụng điện tử hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế là khi số liệu được chuyển đến người nộp thuế theo phương thức điện tử thì người nộp thuế sẽ rà soát, đối chiếu và phản hồi kịp thời với cơ quan thuế. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng phát sinh nợ ảo. 
Ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-đánh giá: “Việc ứng dụng điện tử hóa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế là xu thế tất yếu trong tiến trình số hóa công tác quản lý thuế gắn với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính. Từ thực tế áp dụng trong toàn ngành Thuế tỉnh cho thấy việc ban hành thông báo nợ thuế, quyết định cưỡng chế nợ thuế trên môi trường điện tử mang lại lợi ích thiết thực như tiết kiệm tối đa về kinh phí, tiết giảm thời gian và nhân lực. Đặc biệt, việc này đã góp phần cải tiến cách thức làm việc của công chức thuế”. Bên cạnh đó, theo ông Thành, công tác lưu trữ hồ sơ cũng thay đổi từ lưu trữ thủ công với số lượng giấy tờ hàng tháng của toàn ngành rất lớn chuyển sang số hóa hồ sơ lưu trữ gọn gàng và tiện lợi cho công việc tra cứu. Mặt khác, việc điện tử hóa công tác quản lý thuế nói chung đã có những ảnh hưởng tích cực ngoài phạm vi ngành Thuế. Đó là hệ thống các ngân hàng thương mại đã tối ưu hóa ứng dụng công nghệ thông tin để phối hợp cùng cơ quan Thuế trong việc xử lý thông tin kịp thời, nhanh chóng.
HẢI BÌNH

Có thể bạn quan tâm