Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Chuyên gia AI Việt Nam giành Giải Nhất giải pháp phát hiện ung thư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giải pháp AI do chuyên gia Viettel phát triển có thể tích hợp vào hệ thống hỗ trợ phân tích nhằm cải thiện tính chính xác trong việc chẩn đoán và khám chữa bệnh.
Nguyễn Hồng Đăng, chuyên gia của Trung tâm Không gian mạng Viettel. (Ảnh: Viettel)

Nguyễn Hồng Đăng, chuyên gia của Trung tâm Không gian mạng Viettel. (Ảnh: Viettel)

Vượt qua 2.200 chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới, Nguyễn Hồng Đăng, chuyên gia của Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) đã giành Giải Nhất tại cuộc thi "Phát hiện ung thư vú qua sàng lọc nhũ ảnh." Cuộc thi do Hiệp hội X-quang Bắc Mỹ (RNSA) tổ chức và phát động trong cộng đồng chuyên gia AI và khoa học dữ liệu lớn nhất thế giới trên nền tảng Kaggle.

Cuộc thi bắt đầu từ tháng 11/2022, thu hút gần 1.700 đội tham gia từ khắp nơi trên thế giới. Các giải pháp giành giải thưởng sau đó đã được xem xét bởi một nhóm các chuyên gia AI tình nguyện để xác nhận kết quả. Kỹ sư của Viettel giành Giải Nhất với giá trị giải thưởng là 10 ngàn USD.

Giải pháp AI do Nguyễn Hồng Đăng phát triển có thể tự động nhận diện các dấu hiệu bệnh ung thư tuyến vú từ một vùng rất nhỏ trong nhũ ảnh. Giải pháp này có thể tích hợp vào hệ thống hỗ trợ phân tích (Computer-aided diagnosis - CADx systems) nhằm cải thiện tính chính xác trong việc chẩn đoán và khám chữa bệnh.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, giải pháp của Nguyễn Hồng Đăng đã giải quyết được tình trạng mất cân bằng dữ liệu trong huấn luyện mô hình AI. Trong tệp dữ liệu mà cuộc thi đưa ra, tỷ lệ mẫu ung thư ác tính được gán nhãn chỉ chiếm khoảng 2% tổng số lượng mẫu, trong khi số lượng mẫu còn lại được gán nhãn lành tính hoặc bình thường chiếm 98%. Tình trạng mất cân bằng dữ liệu này có thể khiến cho trí tuệ nhân tạo dự đoán sai.

Ảnh chụp tuyến vú lành tính và ảnh chụp tuyến vú có phát hiện dấu hiệu ung thư hoặc các bất thường khác.

Ảnh chụp tuyến vú lành tính và ảnh chụp tuyến vú có phát hiện dấu hiệu ung thư hoặc các bất thường khác.

Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel Cyberspace chia sẻ: "Chúng tôi đang hoàn thiện giải pháp thành một dịch vụ trên nền tảng Viettel AI Platform. Các bệnh viện, tổ chức y tế, cá nhân hoàn toàn có thể tiếp cận và sử dụng vào công việc. Giải pháp này sẽ tối ưu được thời gian và chi phí so với việc tự nghiên cứu mô hình AI."

Để có thể chiến thắng tại cuộc thi, Nguyễn Hồng Đăng đã có sự hỗ trợ lớn từ Viettel Cyberspace khi kế thừa các tri thức nghiên cứu AI của Trung tâm và được sử dụng hạ tầng siêu máy tính nằm trong top 500 máy tính mạnh nhất thế giới, có hiệu năng tính toán đạt 20 Petaflops (20 triệu tỉ phép tính/giây) để tìm ra giải pháp, tối ưu thuật toán.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu. Sàng lọc ung thư vú đã được chứng minh giảm tỷ lệ tử vong do ung thư lên đến 40%, trong đó công cụ trí tuệ nhân tạo có tiềm năng làm cho quá trình sàng lọc trở nên có giá trị và hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm