TN - Đất & Người

Chuyên gia địa chất lý giải việc sạt lở đèo Bảo Lộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong tháng 7 năm 2023, tại Lâm Đồng đã xảy ra trượt lở đất ở TP.Đà Lạt, sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc. Ở cả 2 nơi, trượt lở đất đều rất nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, gây tâm lý hoang mang, bất an trong xã hội.

Bài viết dưới đây của PGS-TS Phạm Trung Hiếu, Trưởng khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) và tiến sĩ Vũ Văn Vĩnh, Phó chủ tịch Hội Đệ tứ - Địa mạo Việt Nam, lý giải về hiện tượng sạt lở đèo Bảo Lộc dưới góc độ khoa học.

Phải hiểu rõ nguyên nhân trượt lở đất

Cần hiểu rõ nguyên nhân, bản chất trượt lở đất ở đèo Bảo Lộc để đưa ra biện pháp giảm thiểu thiệt hại, chủ động phòng chống trượt lở đất. Đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách của các nhà khoa học địa chất và cơ quan quản lý nhà nước.

Dựa trên cơ sở tài liệu nghiên cứu địa chất hiện có kết hợp giữa khảo sát thực địa và phân tích địa mạo trên bản đồ địa hình, với sự cố trượt lở đất đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng, chúng tôi nhận thấy khu vực sạt lở là khu vực xung yếu về cấu trúc địa chất.

Ảnh: PHẠM TRUNG HIẾU

Ảnh: PHẠM TRUNG HIẾU

Theo đó, khu vực sạt lở nằm ở vị trí giao nhau của 7 đứt gãy thuộc 4 hệ thống đứt gãy có phương, hướng cắm và góc dốc khác nhau. Đá bị dập vỡ mạnh, vỏ phong hóa có bề dày bất thường, dày hơn 20 m, dày gấp 3-5 lần các khu xung quanh (ảnh b ở trên).

Đó chính là nơi liên kết đất đá bị suy giảm mạnh, tập trung nước dưới đất, rất xung yếu về địa chất đối với nứt trượt lở đất. Đất đá khu sạt lở là các thành tạo phun trào trung tính - a xít, xen kẹp các đai mạch mafic xuyên cắt đá phun trào, làm cho tốc độ phong hóa mạnh hơn các khu vực xung quanh (ảnh b).

Trong khu A có khu A1, diện tích 0,8 ha, có dấu hiệu của cung trượt cổ (ảnh c). Trong khu A1 có khu A1.1 là cung trượt mới, trượt vào tháng 7.2023. Như vậy trong khu A (khu rất xung yếu về địa chất) đã từng xảy ra nứt trượt lở đất, trượt lở đất tại A1.1 tháng 7.2023 là tái nứt trượt lở đất. Dù trượt lở đất tại A1.1 đã được khắc phục nhưng nguy cơ tiềm ẩn đối với nứt trượt lở đất ở khu A, A1 vẫn tồn tại.

Thứ 2, đây cũng là khu vực bất ổn về địa mạo. Xâm thực sâu mạnh dưới chân khối trượt A1, ta luy cao tương đối 7-10 m, cắt vào phần thấp của khối trượt A1 đã làm tăng nguy cơ trượt lở đất (ảnh c).

Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc cuối tháng 7 khiến 4 người tử vong. Ảnh: CTV
Vụ sạt lở đèo Bảo Lộc cuối tháng 7 khiến 4 người tử vong. Ảnh: CTV

Cụ thể, khu A1 thuộc sườn phía đông của 1 khối núi, chênh cao 200 m (từ 820 m đến 620 m), dốc 20-30 độ. Dưới chân sườn, đáy thung lũng Da Liong Gas dốc 14 độ (25%), thung lũng đang trong giai đoạn xâm thực sâu rất mạnh, cắt phá rất mạnh chân sườn, chân khối trượt A1.

Bên cạnh đó, quốc lộ 20 cắt vào phần thấp của khối trượt A1 ở độ cao 660 m, tạo ta luy cao tương đối 7-10 m, làm giảm sức chống đỡ bên hay làm tăng đáng kể một cách tương đối tải trọng của khối trượt, nguy cơ trượt lở đất.

Nơi tập trung 7 đứt gãy

Việc sạt lở còn do một số nhân tố kích hoạt. Do lượng mưa lớn tập trung và do tải trọng động được tạo ra do xe lưu thông trên quốc lộ 20. Khu xung yếu A1 là nơi tập trung 7 đứt gãy, chủ yếu theo phương á vĩ tuyến và á kinh tuyến (ảnh c), vỏ phong hóa có bề dày lớn nên đó chính là nơi có khả năng tập trung nhiều nước dưới đất.

Mưa lớn tập trung trong vài ngày làm cho nước trong khối đất đá ở A1 bão hòa, cực đại; tải trọng khối đất đá ở A1 đạt cực đại. Hơn thế, nước tập trung, đến và đi với khối đất đá ở A1 còn tạo ra lực đẩy nổi, sức đẩy thủy lực, thúc đẩy, tăng cường trượt lở đất.

Ở trạng thái bão hòa nước, dòng xe lưu thông trên quốc lộ 20 còn góp lực, tải trọng động, làm gia tăng tải trọng khối đất đá và nguy cơ tăng cường trượt lở đất.

Trượt lở đất đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng đã xảy ra, về không gian, là tại điểm rất xung yếu về địa chất, rất bất ổn về địa mạo; về thời gian, tương ứng với thời điểm mưa lớn tập trung và tác động của giao thông trên quốc lộ 20.

Trên đèo Bảo Lộc còn có nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ trượt lở đất khác nhau. Để chủ động phòng chống trượt lở đất, chủ động giảm thiểu thiệt hại, cần sớm triển khai nghiên cứu, dự báo trượt lở đất trên toàn bộ khu vực đèo ở mức khái quát (tỷ lệ 1/25.000) và chi tiết (tỷ lệ 1/5.000) với các điểm có nguy cơ trượt lở đất cụ thể. Cần sự phối hợp của chuyên gia, nhà khoa học và cơ quản lý nhà nước để giảm thiểu rủi ro.

Có thể bạn quan tâm