Thời tiết

Cảnh báo thiên tai

Chuyên gia nhận định tình hình mưa rét dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia dự báo về đợt không khí lạnh tràn về miền Bắc trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và tình hình thời tiết trong năm 2024.

Những ngày gần Tết Nguyên đán, miền Bắc đón đợt rét hại diện rộng kéo dài suốt 1 tuần, băng giá phủ trắng nhiều vùng núi cao. Nhiệt độ vùng đồng bằng có những ngày phổ biến dưới 10 độ C, học sinh mầm non, tiểu học phải nghỉ học.

Nhiều người băn khoăn giá rét có còn bao trùm miền Bắc trong dịp Tết Giáp Thìn 2024?

Miền Bắc khả năng đón không khí lạnh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Ngô Nhung)

Miền Bắc khả năng đón không khí lạnh trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh: Ngô Nhung)

TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, Tết Nguyên đán Giáp Thìn, miền Bắc khả năng có không khí lạnh nhưng khả năng không mạnh như đợt đang diễn. Vì vậy, thời tiết dịp Tết Nguyên đán, miền Bắc có thể rét nhưng ít khả năng rét đậm, rét hại.

Tại miền Trung, trọng tâm là phía Bắc và Trung Trung Bộ, dự báo sẽ có mưa nhưng ít khả năng xuất hiện mưa lớn.

Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, thời tiết cũng sẽ phổ biến ít mưa, ngày nắng ráo, miền Đông Nam Bộ nắng nóng cục bộ.

Cùng nhận định trên, ông Lưu Minh Hải - nguyên Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lào Cai cho hay, khoảng 6-7/2, dự báo một đợt không khí lạnh sẽ tràn về nước ta. Nhiệt độ cao nhất giảm khoảng 3 độ C so với ngày hôm trước. Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, miền Bắc mặc dù không quá rét nhưng cũng không có cảm giác oi nóng.

Ông Hải nhận định nhiệt độ trung bình ngày dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn có thể dao động 19-20 độ C, trời có mưa nhỏ về đêm và sáng, trưa chiều hửng nắng, thời tiết tương đối thuận lợi để mọi người du xuân, chúc Tết người thân.

GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên cho biết, người dân miền Bắc khả năng sẽ không phải đón năm mới trong thời tiết rét buốt như đợt rét đậm, rét hại xảy ra vào những ngày cuối năm Quý Mão 2023.

"Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, miền Bắc khả năng có mưa nhỏ, nhiệt độ trung bình ngày có thể dao động trên dưới 20 độ C", GS.TS Phan Văn Tân nói.

Những năm gần đây, dịp Tết Nguyên đán, thời tiết ít xảy ra rét đậm, rét hại. Theo thống kê, trong 34 năm qua (từ năm 1990 đến năm 2023), người dân miền Bắc nhiều năm đón ngày mùng 1 Tết Nguyên đán trong thời tiết ấm áp.

Hà Nội có 14 năm ngày mùng 1 Tết nhiệt độ trung bình ngày trên 19 độ C (chiếm hơn 41% số liệu thống kê). Từ năm 1990-2023, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán ở Hà Nội có 6 năm rét đậm (nhiệt độ trung bình 13-15 độ C) và 7 năm trời rét (nhiệt độ 16-19 độ C).

Rét hại với nhiệt độ trung bình dưới 13 độ C chủ yếu tập trung vào dịp Tết từ năm 2013 trở về trước.

Năm 2023, miền Bắc đón ngày đầu năm mới trong thời tiết rét. Nhiệt độ trung bình ở Hà Nội ngày mùng 1 Tết Quý Mão ghi nhận 17,3 độ C.

Theo Tổng Cục khí tượng Thủy văn, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc khi nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức thời tiền công nghiệp 1,45 độ C, tiến gần đến giới hạn đặt ra là 2 độ C trong Thoả thuận Paris thông qua năm 2015.

Theo Tổng Cục khí tượng Thủy văn, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử quan trắc khi nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức thời tiền công nghiệp 1,45 độ C, tiến gần đến giới hạn đặt ra là 2 độ C trong Thoả thuận Paris thông qua năm 2015.

Tại Việt Nam, nắng nóng với nhiệt độ vượt kỷ lục được ghi nhận tại Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C, đây cũng là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo, năm 2024 có thể là năm thứ 10 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao nhất và thiên tai sẽ bất thường hơn. Nắng nóng tại Nam Bộ, Tây Bắc Bộ và Trung Bộ nước ta khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Hiện tượng El Nino sẽ chuyển sang trạng thái trung tính vào giữa năm, sau đó xuất hiện hiện tượng La Nina.

Theo dự báo, bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ở Biển Đông sẽ nhiều hơn, cơ cấu bão ở Biển Đông sẽ chiếm 1/3 so với toàn bộ số cơn bão. Mưa dông và mưa lớn thời đoạn ngắn xuất hiện thường xuyên hơn, gây lở đất vùng núi, ngập lụt đô thị.

El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng (hoặc lâu hơn), thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.

La Nina (ngược với El Nino) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.

Có thể bạn quan tâm