(GLO)- Trong những năm chống Mỹ cứu nước, ở khu căn cứ Krong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), trừ lương thực được sản xuất tại chỗ, còn thì mắm muối, thuốc men, văn phòng phẩm… đều do các cơ sở bí mật ở Bình Định, Quảng Ngãi mua gom rồi ta cử người xuống mang về. Bà Đỗ Thị Hưu (trú tại số 62 Nguyễn Hữu Huân, TP. Pleiku) từng có thời gian cõng hàng cho chiến khu Krong.
Bà Hưu kể: Bấy giờ là khoảng giữa mùa khô năm 1967. Hôm đó, như thường lệ, bà và đồng đội lại xuống Hoài Nhơn (Bình Định) cõng hàng. Gom hàng xong, trên đường về vừa qua bên kia sông Côn một quãng thì bị địch chặn đường. Đầu tiên là những chiếc máy bay phản lực dội bom liên tục xuống cánh rừng. Tiếp đó, lũ trực thăng bay sát ngọn cây, xả đạn như mưa vào những nơi chúng nghi ngờ. Bắn phá chán chê, chúng bắt đầu đổ quân. Không còn cách nào khác, mọi người đành bỏ hàng để chạy thoát thân.
“Ba anh chạy trước, tôi theo sau. Được một quãng, tôi đuối sức, cứ tụt lại dần rồi không thấy các anh đâu, trong khi phía sau địch vẫn đuổi rát. Đang bí thế thì chợt phát hiện phía trước có một cái hang đá. Mừng quá, tôi lập tức chạy tới chui vào. Chưa kịp thở lấy hơi thì bọn địch đã sục tới. Ẩn kín sau một tảng đá lớn, tôi nhìn ra thấy 4-5 tên Mỹ chỉ tay vào hang nói xì xồ gì đó với nhau. Quan sát một hồi, hẳn là không thấy dấu vết gì để nghi ngờ, chúng thả mấy trái lựu đạn vào cửa hang thăm dò rồi bỏ đi. Chờ một lúc thật lâu, tôi mới lần ra nghe ngóng. Tiếng súng vẫn còn nổ khá gần, lũ trực thăng vẫn quần đảo soi mói. Như vậy là chúng sẽ ém quân lại tiếp tục lùng sục”-bà Hưu nhớ lại.
Sau giây phút trầm ngâm, bà Hưu kể tiếp: Hết 1 ngày bươn bả chạy giặc, thân thể bà rã rời, bụng đói cồn cào, cổ họng rát bỏng. Phải chịu đói, chịu khát là đương nhiên. Bà đành cố chịu, được tới đâu hay đó. Hang tối như bưng lấy mắt. Lạnh quá, bà ngồi ôm gối sát vào bụng cho đỡ rét. Rồi bà thiếp đi, chẳng biết được bao lâu thì trời hửng sáng. Lúc này, bên cạnh cơn đói như chà xát gan ruột là cái khát. Địch vẫn còn lùng sục, bà cũng chẳng biết hướng nào có nước để tìm. Trong cơn tuyệt vọng, bà bò ra cửa hang cố quan sát thật kỹ xung quanh. Cách hang không xa lắm có một vạt chuối rừng. “Sống rồi! Tôi thầm reo lên trong tâm trí. Nhưng phải chờ trời tối mới ra đó được. Vừa xẩm tối, biết chắc đây là quãng thời gian an toàn, tôi lần tới vạt chuối chọn những cây nhỏ bẻ ngang thân tước lấy lõi. Nhưng cơn khát dịu đi thì cái đói lại trỗi dậy mạnh hơn. Tôi cứ phải liên tục tự động viên mình: “Không chết khát thì không thể chết đói được”. Rồi để quên đi, tôi cố dỗ mình vào giấc ngủ. Nhưng ngủ sao được khi một mình trong hang lạnh lẽo, màn đêm như có thể xắn ra từng miếng mà gan ruột thì cứ như ai lấy tay vò”-bà Hưu nhắc nhớ.
Sáng ngày thứ 4, bà Hưu lắng tai nghe ngóng. Núi rừng bỗng im ắng hẳn. May quá, như vậy là bọn địch đã rút quân. Phải nhanh chóng ra đi. Nhưng biết đi đâu bây giờ, về quê hay lên căn cứ? Cả hai phía đều xa, vả chăng đi một mình bà không dám. Nhưng không đi thì chắc chắn là chết ở đây không ai biết. Thôi cứ đi, sớm muộn thế nào rồi cũng gặp người của ta… Cho đến chiều ngày hôm sau, bà bỗng nghe lao xao tiếng người. Địch hay ta đây? Bà bí mật tiến lại gần quan sát thì không phải địch, một đơn vị bộ đội đang hành quân ngang qua.
“Cảm giác như mình được sống lại, tôi kể lại đầu đuôi cho các anh nghe. Chỉ huy đơn vị đồng ý cho tôi đi theo. Tôi theo các anh được một tuần thì gặp người chú từ trên Gia Lai xuống. Ông khuyên tôi về quê tạm lánh, khi nào gặp người ở căn cứ xuống thì hãy theo lên… Về tới nhà, má nhìn tôi trân trối rồi bỗng khóc òa. Tôi đứng ngây ra không hiểu. Thì ra, ai cũng nghĩ là tôi chết rồi nên báo về cho má tôi. Tin là thật, má làm cơm cúng… Bấy giờ, địch đang tiến hành càn quét ráo riết, má phải giấu tôi xuống hầm bí mật. Cứ nghĩ cố nán lại mươi bữa, có anh em nào xuống thì mình theo lên, nào ngờ tình hình căng thẳng vẫn kéo dài. Cứ suốt ngày ăn, thấy động thì lẩn trốn thế này chắc điên đầu mất. Sốt ruột, tôi viết liền 4 lá thư nhờ cơ sở nếu có ai xuống thì chuyển cho cơ quan giúp. Thế nhưng, ngày tiếp ngày vẫn bặt vô âm tín. Cho mãi đến khi anh Bá xuống lấy hàng, tôi mới liên lạc được và theo lên. Tính ra, chuyến đi đó tôi đã bị kẹt lại tới 4 tháng. Về tới cơ quan, tôi suýt trào nước mắt khi thấy mọi người đang chuẩn bị làm lễ truy điệu cho mình. Thì ra, những lá thư tôi gửi chẳng hiểu sao không tới được cơ quan”-bà Hưu kể.
Đã có hàng ngàn chuyến hàng trên đôi vai mảnh mai của những người con gái, vượt qua mưa nguồn, suối lũ, vượt qua bom đạn như thế để về Krong-những chuyến hàng lặng thầm đã góp phần làm nên chiến thắng.
NGỌC TẤN